• Zalo

Sau mẹ con Cường Đô la, 'Vua thủy sản' cũng oằn mình với gánh nặng nợ nần

Kinh tếThứ Hai, 16/05/2016 07:02:00 +07:00Google News

Sau mẹ con Cường đô la, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh oằn mình với gánh nặng nợ nần.

(VTC News) – Sau mẹ con Cường đô la, đến lượt đại gia Dương Ngọc Minh oằn mình với gánh nặng nợ nần.

Nợ khủng


Đã có thời đứng ở vị trí cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng một số đại gia như mẹ con Cường đô la khiến cổ đông lo lắng vì sở hữu những khoản nợ khủng. Gần đây, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, vị đại gia được xem là “người tình tin đồn” của ca sỹ Mỹ Tâm đã “lộ” những khoản nợ khủng.

Tiền lãi của Hùng Vương đang tăng lên chóng mặt. Nếu chi phí lãi vay quý 4/2015 “chỉ” là 95,4 tỷ đồng thì tới quý 1, con số này vọt lên 136,7 tỷ đồng với mức tăng 41,3 tỷ đồng, tương ứng 43,3%. So với cùng kỳ năm 2015, chỉ tiêu này còn tăng chóng mặt, tăng 83, tỷ đồng, tương ứng 157,4%.

Chi phí lãi vay khiến lợi nhuận của công ty giảm sâu. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2016 đạt 12,7 tỷ đồng, giảm 37,5 tỷ đồng, tương ứng 77,7% so với quý 1/2015.

Chi phí lãi vay ở mức cao ngất chủ yếu đến từ khoản nợ vay khủng. Theo báo cáo tài chính riêng, tại thời điểm 31/3/2016, tổng nợ của công ty  mẹ HVG đạt 12.311,4 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2015, HVG nợ 9.211 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu. Đòn bẩy tài chính của HVG là khá lớn so với mức trung bình chung của cả ngành.

Cũng giống như Quốc Cường Gia Lai của mẹ con Cường đô la, Hùng Vương đang gặp áp lực với nợ ngắn hạn. Tổng vay ngắn hạn và trái phiếu đến hạn tại Hùng Vương là 3.170 tỷ đồng.

Hiện tại, với khoản vay bằng VND, chủ nợ lớn nhất của công ty là BIDV với 1.194,4 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Đứng sau là Vietcombank với 644,7 tỷ đồng. Còn với khoản vay bằng USD, VPBank là chủ nợ ngắn hạn lớn nhất với gần 11 triệu USD (tương đương 242 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Công ty cổ phần chứng khoán Đông Nam Á, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Hùng Vương liên tục âm qua các năm cho thấy hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả và công ty hầu như không có khả năng tài trợ cho các dự án đầu tư mới bằng nguồn lực bên trong công ty.

HVG đang đi quá xa?

Hùng Vương luôn được xem là “Vua thủy sản”. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu chính là nguồn chính mang lại lợi nhuận công ty. Tuy nhiên, trong niên độ từ 1/10/2015 tới 31/3/2016, doanh thu xuất khẩu của công ty giảm khoảng 30%.

Vì vậy, Hùng Vương phải thay đổi “chiến thuật”. Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra đầu năm nay, ông Dương Ngọc Minh báo cáo cổ đông về kế hoạch chi 15 triệu USD mua 51% công ty thủy sản Russia Fish Joint Stock Company - công ty chuyên kinh doanh, phân phối, bán lẻ thủy sản ở Nga. Đây là bước đi phục vụ cho kế hoạch tấn công thị trường Nga của Hùng Vương.

Giải thích cho kế hoạch này, ông Minh cho biết thị trường Nga khó khăn từ năm 2014 đến nay. Trước đây kinh tế Nga tốt thì chi tiêu của người dân dành cho các thức ăn giá cao nhưng hiện nay người dân tiết kiệm hơn là cơ hội cho các sản phẩm thức ăn giá rẻ như cá tra, basa của Việt Nam. Nga là nước đánh bắt và cung cấp nguyên liệu Alaska pollak lớn nhất thế giới nên việc hợp tác với đối tác Nga là rất cần thiết

“Một số đối tác cũng đang yêu cầu HVG tăng sản lượng chế biến cá Alaska pollak nên tôi khẳng định việc đầu tư mua cổ phần công ty Russia Fish là đúng đắn” – Ông Minh cho biết.

Là “Vua thủy sản” nhưng Hùng Vương lại đang phát triển theo hướng đa lĩnh vực. Gần đây, Hùng Vương tập trung nguồn lực lớn trong việc M&A nhằm hoàn thiện mô hình đa ngành, ngoài thủy sản còn phát triển nông nghiệp, bán lẻ và kho lạnh.
Vì vậy, nhiều cổ đông lo lắng rằng công ty đang đi quá xa và mạo hiểm khi tiến quá xa khỏi lĩnh vực cốt lõi. Tuy nhiên, ông Dương Ngọc Minh vẫn tin tưởng vào chiến thuật của doanh nghiệp.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn