Trước đó, vở kịch được vinh danh tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN với giải thưởng cao nhất Hoa dâm bụt (tương đương giải Vàng).
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - tác giả của vở kịch nói này cũng nhận được giải thưởng Tác giả kịch bản xuất sắc nhất.
Huyền thoại gò Rồng ấp gây ấn tượng với khán giả quốc tế nhờ nội dung đặc sắc, có sự kết hợp tài tình giữa yếu tố ước lệ và tả thực cùng diễn xuất thăng hoa của các diễn viên.
Huyền thoại Gò Rồng Ấp kể về người con gái Phạm Thị Ngà mồ côi cha mẹ. Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, vô tình lúc ấy, sư Vạn Hạnh cũng ghé qua. Bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm, nên khi trở về Thị Ngà mang thai.
Sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên biết được rằng bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà có mệnh đế vương, sẽ xây dựng một triều đại lừng lẫy. Gò Rồng ấp - nơi chôn cha mẹ của Thị Ngà chính là nơi phát mệnh đế vương.
Phú hộ Diên Uẩn vô tình biết được chuyện này. Hắn tìm mọi cách hãm hại mẹ con Thị Ngà với tham vọng đưa con cháu mình lên ngôi vương. Thế nhưng, mọi âm mưu của hắn đều không cưỡng lại được mệnh trời. Con trai của Thị Ngà trở thành vị Hoàng Đế khai quốc của triều Lý – người tạo dựng nên kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ.
Với Huyền thoại Gò Rồng Ấp, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khéo léo lồng ghép những quan niệm về luân lý, trách nhiệm của con người với đất nước, trách nhiệm vua chúa với non sông, tạo ra kịch bản giàu tính triết luận Á Đông, một vở diễn sân khấu kịch nói chuyện cũ vẫn mang màu sắc triết luận có tính tư tưởng cập thời trong tác phẩm.
Vở diễn một lần nữa khẳng định: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh, nhân kiệt, nơi hội tụ tinh anh và linh khí nghìn đời để hun đúc và sản sinh ra những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh cho giống nòi, tiên tổ.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - cố vấn nghệ thuật của vở kịch khẳng định: "Với ngôn ngữ của sân khấu kịch, các nghệ sĩ, đạo diễn và ê - kíp của vở kịch mang lại một cái nhìn mới mẻ về thời kỳ lịch sử của Việt Nam".
Bình luận