Tôi kết hôn gần 5 năm, vợ tôi tên Lan. Hai vợ chồng yêu thương, hòa hợp nhau về tính cách và lối sống. Trong mắt tôi vợ là người dịu dàng, hết mực hiếu thuận với hai bên nội ngoại. Chưa bao gờ tôi thấy vợ to tiếng, cáu giận chồng dù chỉ một lần.
Cô ấy được thừa hưởng tính cách và sự đảm đang của mẹ ruột - người Hà Nội gốc. Mọi việc trong gia đình, từ nấu nướng, dạy con và ứng xử đều tinh tế, mực thước.
Lan chăm chồng kỹ tính đến mức bộ quần áo luôn thơm tho, phẳng phiu, nhờ vậy tôi trông còn phong độ, trẻ trung hơn thời chưa lập gia đình.
Thời con gái, vợ tôi như viên ngọc sáng, khiến bao chàng trai phải mê mẩn, thầm thương trộm nhớ. Nghe bạn thân cô ấy kể, có cả thiếu gia con nhà quyền thế theo đuổi vợ tôi 3 năm. Chẳng hiểu anh ta nhỡ mồm nói câu gì mà Lan kiên quyết không bao giờ gặp lại.
Cuối cùng, cô ấy lại lựa chọn, gửi gắm đời mình cho tôi - anh chàng dân tỉnh lẻ, gia cảnh không có gì khá giả, bố mất sớm, chỉ còn mẹ.
Mẹ tôi hiền lành, mộc mạc, tinh thần hơi lẫn một chút do vấn đề tuổi tác nhưng bà vẫn khỏe mạnh. Kết hôn xong, hai vợ chồng về sống ở căn nhà do bố vợ tặng. Mẹ tôi vẫn ở dưới quê, thỉnh thoảng lên thăm các con, mang ít thực phẩm quê ra biếu thông gia.
Mỗi lần như vậy, Lan đều đích thân ra bến xe đưa đón bà. Mẹ chồng có kêu mệt mỏi, cô ấy chu đáo đưa vào bệnh viện thăm khám, kiểm tra. Bác sĩ kết luận sức khỏe bà ổn định, bình thường Lan mới yên tâm.
Cách đây một năm, mẹ tôi bị ngã gãy chân, phải bó bột, nằm trên giường khá lâu. Sợ ở quê không có ai chăm sóc, Lan chủ động bàn với tôi đưa mẹ ra Hà Nội chạy chữa. Ơn trời, nhờ thuốc men, vật lý trị liệu đầy đủ, chỉ nửa năm mẹ tôi đã đi lại bình thường.
Khi bà đòi về quê, nghĩ vợ cũng hiếu thảo, không so đo, tính toán nên tôi nói với Lan, khuyên mẹ ở hẳn với hai vợ chồng. Lan không nói gì, chỉ ậm ừ rồi gật đầu.
Sống chung với mẹ chồng, Lan lúc nào cũng ríu rít, nói năng dễ nghe, tình cảm. Bữa cơm bao giờ cô ấy cũng gắp cho bà những món ăn ngon nhất. Hai vợ chồng đi ăn nhà hàng, kiểu gì Lan cũng mua cho mẹ chồng một suất.
Tuy nhiên tôi nhận ra, mẹ mình trầm tư, ít nói hơn hẳn. Mặt lúc nào cũng đượm buồn. Tôi có gặng hỏi, tâm sự với mẹ, tìm hiểu nguyên nhân nhưng bà chỉ lắc đầu, bảo không có chuyện gì. Cho rằng bà ít bạn, buồn chán, tôi đăng ký cho bà tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh ở phường.
Từ hôm đó, mẹ tôi vui vẻ, phấn chấn trở lại. Hàng ngày vợ tôi đi làm, bà ở nhà nghỉ ngơi, đến chiều tranh thủ đi đón cháu nội.
Đợt đó, tôi được công ty cử vào làm việc ở Huế 3 tháng. Lo vợ ở nhà vất vả, tôi tìm thuê một bác giúp việc có kinh nghiệm, đỡ đần cô ấy.
Bác giúp việc nhanh nhẹn, tháo vát, Lan ưng ý vô cùng, khen ngợi suốt. Mấy tháng vợ chồng xa nhau nhưng tối nào cô ấy cũng gọi điện hàn huyên, tâm sự với chồng các công việc ở nhà. Nhờ đó, nỗi nhớ gia đình trong tôi cũng vơi bớt, tôi yên tâm công tác.
Gần ngày về, tôi thu xếp thời gian mua sắm quà cáp cho mẹ và vợ con. Thời tiết miền Bắc đang trở lạnh nên tôi chuẩn bị chiếc khăn quàng cổ cho mẹ, bộ áo dài cho vợ và ít đồ chơi cho lũ trẻ.
Do công việc hoàn thành sớm, chỉ còn một chút giấy tờ, tôi nhờ đồng nghiệp hoàn thiện giúp còn mình nhanh chóng bắt chuyến tàu sớm nhất về với gia đình.
Vì muốn vợ bất ngờ nên tôi không thông báo. Tàu đến ga, tôi khệ nệ mang vác đồ đạc, lên taxi về thẳng nhà. Dù đoạn đường ngắn nhưng lòng tôi rất hồi hộp. Lâu rồi, tôi chưa được ăn bữa cơm đầm ấm bên người thân.
Xe đỗ trước cổng nhà, tôi hăm hở bước vào thì bất ngờ nghe tiếng Lan rên rỉ, ỉ ôi, giọng đầy bực tức. Cô ấy dùng những lời lẽ khó nghe, xấc xược để quát mắng ai đó trong nhà.
Video: Mãi không trả hết nợ, cặp vợ chồng đưa con lên ô tô sống cuộc sống trong mơ
Nghĩ vợ mắng bác giúp việc, tôi chau mày, tỏ vẻ không hài lòng. Tôi quan điểm, dù là giúp việc nhưng người ta cũng kiếm sống bằng sức lao động, không thể ỷ thế về tiền bạc mà cư xử quá đáng được.
Thế nhưng sau cánh cửa, mẹ tôi đang ngồi im lặng, nước mắt lưng tròng, thi thoảng đưa tay lên ngực để kìm nén những uất nghẹn trong tim. Vợ tôi vẫn thao thao bất tuyệt, hằm hằm nhìn mẹ chồng.
Thấy tôi, Lan giật mình, im bặt. Mẹ tôi vội lau nước mắt, tươi cười nhìn con trai. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, thái độ vợ tôi khác hẳn, khuôn mặt khó đăm đăm bỗng giãn ra, vui vẻ tươi cười. Cô ấy trò chuyện với mẹ chồng như thể chưa có chuyện gì xảy ra.
Thấy hai người đó có vẻ khác lạ, tôi bắt đầu để ý hơn. Mẹ tôi không còn hỏi han con dâu nhiều như trước. Cả bữa tối, bà lặng lẽ ăn rồi đứng dậy về phòng nghỉ ngơi. Tôi nghi ngờ mẹ và vợ có mâu thuẫn nhưng trước mặt tôi hai người họ vẫn cố tỏ ra bình thường.
Hôm sau, vợ vừa dắt xe đi làm, mẹ ra công viên tập dưỡng sinh, tôi mời bác giúp việc ra thăm dò. Ban đầu người giúp việc khá dè dặt, nói không biết. Tuy nhiên khi tôi thuyết phục, người phụ nữ này mới tiết lộ: "Mỗi khi anh vắng nhà, cô Lan đối xử với bà quá đáng lắm.
Cả ngày đi vắng nhưng hễ về nhà là cô ấy riết róng, nói bà là gánh nặng. Mọi thứ vợ chồng anh có được đều do bố mẹ vợ cho, anh chỉ là phận "chó chui gầm chạn".
Mẹ anh thương con, chịu đựng bấy lâu nay để giữ hòa khí. Bà cũng muốn về quê ở nhưng không biết lấy lý do gì. Cô Lan khéo lắm, cậu vắng nhà mới làm thế, còn bình thường trước mặt chồng lúc nào cũng ngọt nhạt, mẹ mẹ, con con, rất tình cảm...".
Những lời bác giúp việc kể như lưỡi dao đâm vào trái tim tôi, đau đớn, quặn thắt. Tôi nào ngờ được người vợ mình yêu thương, trân trọng lại có hành xử hỗn láo, hai mặt như vậy.
Tôi không giữ được bình tĩnh, đã gọi Lan về hỏi cho ra nhẽ nhưng cô ấy một mực phủ nhận. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, ầm ĩ.
Đúng lúc đó, mẹ tôi về. Bà khuyên hai con và nhận hết lỗi về mình: "Mẹ xin các con, lỗi là do mẹ. Mẹ sẽ về quê ở. Mẹ sống đạm bạc quen rồi. Các con cứ tập trung, lo cho nhau, mẹ tự thu xếp được, cốt sao hai vợ chồng đầm ấm".
Những lời mẹ nói chỉ khiến tôi đau lòng thêm. Tôi lấy đồ, đưa bà rời khỏi căn nhà đó mặc cho vợ gào thét, liên tục xin lỗi. Trước khi đi, tôi trả lại chìa khóa cho vợ, chỉ mang theo ít vật dụng cá nhân.
Tôi quyết định sẽ ly hôn. Mẹ đã cho tôi cả cuộc đời, tôi không thể bất hiếu được. Theo các độc giả tôi làm như vậy có quá đáng không với vợ không? Xin hãy cho tôi lời khuyên.
Độc giả có bài viết chia sẻ về cuộc sống hôn nhân gia đình, mời gửi về toasoan@vtc.gov.vn
Bình luận