Đã gần 1 tháng kể từ khi đoàn công tác của Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội (UBKHCNQH) đã đến làm việc với công ty Việt Séc (doanh nghiệp đóng tàu bằng công nghệ polypropylen copolymer, gọi tắt PPC) theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đến nay, doanh nghiệp vẫn đang mỏi mòn chờ phản hồi từ các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, rất nhiều hợp đồng đóng tàu trị giá hàng trăm tỷ đồng đã tuột khỏi tay doanh nghiệp chỉ vì vướng thủ tục đăng kiểm.
Ông Vũ Văn Đảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Séc ngậm ngùi: “Quả là chặng đường phát triển chiếc tàu công nghệ PPC ở Việt Nam quá khó khăn! Mới đây, chúng tôi tiếp tục báo cáo Sở GTVT Vũng Tàu để UBND tỉnh kiến nghị tiếp tới Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho đăng kiểm tàu thuyền.
Làm ra tàu đã khó, kiếm được khách hàng mua tàu cũng khó nhưng vượt qua cửa ải đăng kiểm để đưa tàu vào lưu thông là một chặng đường đầy gian nan thử thách".
Video: Công ty Việt Séc chạy thử cano du lịch sức chở 35 người
Ông Đảo giãi bày, thay vì dành thời gian cho sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp lại phải đi kêu cứu khắp nơi. Biết bao nhiêu cuộc họp, bao nhiêu chỉ đạo của Chính phủ nhưng mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Muốn có một Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thì Chính phủ phải linh hoạt trong chính sách, từ bỏ lối mòn, thay đổi tư duy quản lý, loại bỏ những nguyên tắc rườm rà, máy móc không phù hợp thời cuộc trong công tác đăng kiểm.
“Người dân, doanh nghiệp làm ra được phương tiện tốt, chất lượng ngang bằng châu Âu, sản phẩm được cấp chứng nhận CE của đăng kiểm CSlloyd (Cộng hòa Séc) thì bộ ngành phải ủng hộ, phải tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhưng đằng này lại cứ tìm đủ mọi lý lẽ để cản trở doanh nghiệp sản xuất với lý do ‘thế giới chưa có nước nào đóng tàu (tàu PPC) trên 12 người’.
Chủ nhiệm UBKHCN Quốc Hội khi đến thăm nhà máy sản xuất tàu công nghệ vật liệu PPC, cũng phải thấy mủi lòng khi DN Việt làm chiếc cano bé tý mà bị hành cho lên bờ xuống ruộng, trong khi cạnh đó doanh nghiệp nước ngoài sản xuất những chiếc tàu hàng chục triệu đo la xuất khẩu đầy ra đấy. Phải chăng lỗi tại cơ chế?” – ông Đảo bức xúc.
Trước đó, trong chuyến làm việc tại nhà máy, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm UBKHCNQH cho biết, đoàn công tác sẽ ghi nhận và có những hành động phù hợp để kiến nghị, báo cáo trình Chủ tịch Quốc hội để yêu cầu các cơ quan có liên quan nhanh chóng có hướng xử lý phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay đã gần 1 tháng trôi qua, doanh nghiệp vẫn mỏi mòn chờ đợi mà chưa có bất cứ sự thay đổi nào.
Ông Đảo chia sẻ thêm, vật liệu PPC được sản xuất tại CH LB Đức, bắt đầu được ứng dụng trong việc chế tạo tàu thuyền từ những năm 1995 tại CH-Séc. Hiện nay, trên thế giới, rất nhiều nước sử dụng sản phẩm và đánh giá rất cao vì có nhiều đặc tính ưu việt.
Năm 2011, ông Đảo đưa công nghệ này về Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là nước duy nhất mà Séc chuyển giao công nghệ đóng tàu hiện đại này.
Năm 2013, công ty đóng tàu cho Hải quân. Sau khi xem xét năng lực của nhà máy, và công nhận đăng kiểm của CS Lloyd (một đơn vị đăng kiểm của CH-Séc, Đăng kiểm Hải quân (Bộ Quốc phòng) đăng kiểm cho hàng loạt tàu PPC của công ty cung cấp cho lực lượng vũ trang.
Sau khi đóng thành công hàng loạt tàu loại lớn cho cảnh sát biển, công ty nhận được nhiều đơn hàng đóng tàu dân sự. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) không chấp nhận đăng kiểm với lý do Việt Nam chưa có “Quy chuẩn kỹ thuật” đóng tàu thuyền PPC. Việc này khiến ông Đảo phải hủy và đền bù nhiều hợp đồng trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn, hàng trăm lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc làm chỉ vì vướng mắc trong khâu đăng kiểm.
Bình luận