• Zalo

Sau 50 năm, người Mỹ sẽ quay lại Mặt trăng

Khám pháThứ Năm, 30/11/2023 15:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hơn 50 năm sau sứ mệnh Apollo cuối cùng, người Mỹ sẽ cố gắng một lần nữa hạ cánh tàu lên Mặt trăng vào ngày 25/1.

Tàu đổ bộ có tên Peregrine sẽ không có người trên tàu. Tàu do công ty Astrobotic của Mỹ phát triển. Giám đốc điều hành công ty John Thornton cho biết tàu này sẽ mang theo các thiết bị của NASA để nghiên cứu môi trường Mặt trăng, nhằm chuẩn bị cho dự án có người lái Artemis của NASA.

Sau 50 năm, người Mỹ sẽ quay lại mặt trăng. (Ảnh minh họa)

Sau 50 năm, người Mỹ sẽ quay lại mặt trăng. (Ảnh minh họa)

Vài năm trước, NASA đã ủy quyền cho các công ty Mỹ trong việc đưa các thí nghiệm và công nghệ khoa học lên Mặt trăng. Chương trình có tên CLPS (Dịch vụ vận tải thương mại mặt trăng). Những hợp đồng cố định này được cho là sẽ giúp phát triển "nền kinh tế mặt trăng" và cung cấp dịch vụ vận tải với chi phí thấp hơn.

Ông Thornton cho biết: “Một trong những thách thức lớn đối với những gì chúng tôi đang cố gắng ở đây là cố gắng phóng và hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí thông thường".

Ông nói: “Chỉ có khoảng một nửa số sứ mệnh lên bề mặt Mặt trăng là thành công. Vì vậy, đó chắc chắn là một thử thách khó khăn. Tôi nghĩ mình vừa sợ hãi vừa hồi hộp ở mọi giai đoạn của dự án này".

Tàu Peregrine dự kiến cất cánh vào ngày 24/12 từ Florida, trên tên lửa của tập đoàn công nghiệp ULA Vulcan Centaur.

Ông Thornton cho biết, tàu sau đó sẽ mất “vài ngày” để đến được quỹ đạo Mặt trăng, phải đợi đến ngày 25/1 trước khi cố gắng hạ cánh, để điều kiện ánh sáng tại vị trí mục tiêu phù hợp. Việc hạ cánh sẽ được thực hiện một cách tự động, không có sự can thiệp của con người nhưng sẽ được giám sát từ trung tâm điều khiển của công ty.

Hồi mùa xuân, công ty khởi nghiệp ispace của Nhật Bản nỗ lực trở thành công ty tư nhân đầu tiên đáp xuống Mặt trăng, nhưng sứ mệnh đã kết thúc trong một vụ tai nạn. Israel cũng phải chịu thất bại trong năm 2019.

Chỉ có bốn quốc gia đã hạ cánh thành công trên Mặt trăng: Mỹ, Nga, Trung Quốc và gần đây nhất là Ấn Độ.

Ngoài Astrobotic, NASA còn ký hợp đồng với các công ty khác như Firefly Aerospace, Draper và Intuitive Machines. 

Ông Chris Culbert, giám đốc chương trình CLPS cho biết: “Lãnh đạo NASA nhận thức được những rủi ro và chấp nhận rằng một số sứ mệnh này có thể không thành công. Nhưng ngay cả khi hạ cánh không thành công, CLPS cũng đã có tác động đến cơ sở hạ tầng thương mại cần thiết để thiết lập nền kinh tế Mặt trăng”.

Phương Anh (Nguồn: Straits Times )
Bình luận