Video: Hồ Ngọc Hà - Thanh Hằng trình diễn BST của Công Trí (Nguồn: FC Hồ Ngọc Hà)
Tối 19/4, Công Trí tiếp tục chinh phục khán giả bằng BST Coco yêu Dấu – Coco La Bien Aimée tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2018. Các thiết kế là một sự tiếp nối nguồn cảm hứng từ BST áo dài đặc biệt anh từng ra mắt năm 2015 nhân dịp sinh nhật của huyền thoại Coco Chanel.
Một trong số những thứ quan trọng nhất Chanel để lại là chiếc áo khoác vải tweed - biểu tượng bất diệt của thời trang Pháp và phong cách thanh lịch vượt thời gian.
Công Trí vận dụng triệt để những tinh tuý này và cả triết lý sáng tạo của Coco để tạo nên những tà áo dài cách tân quen thuộc nhưng không kém phần cuốn hút một cách đầy thuyết phục.
“Tôi muốn tìm một chất liệu dành cho chiếc áo dài nhưng nó không đơn giản chỉ là chiếc áo dài. Khi dừng lại ở vải tweed dệt thưa, tôi bất giác nghĩ đến bà. Coco Chanel sẽ chẳng bao giờ quan tâm chất liệu này người ta có dùng để may trang phục nữ hay không. Nguyên tắc là thứ bà cực kì căm ghét…” – Công Trí chia sẻ về khoảnh khắc anh hình thành ý tưởng cho Coco yêu dấu.
Với gần 50 mẫu, NTK một lần nữa khẳng định áo dài vừa đủ sức thay thế đầm dạ tiệc mà vẫn thừa sang trọng, lại hoàn toàn có thể là bộ cánh dạo phố thời thượng chỉ với chút biến tấu rất đặc trưng.
Một điều đặc biệt là BST này khi được trình diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2018 lại gây bất ngờ với sự xuất hiện của Hồ Ngọc Hà – Thanh Hằng.
Sải bước trên sàn catwalk trong tà áo dài, cả hai mỹ nhân của showbiz Việt nắm tay và ôm nhau cực kì tình cảm khi đảm nhận vai trò kết màn cho đêm diễn. Phải đến 5 năm rồi, khán giả mới được nhìn thấy những hình ảnh này.
Chính vì vậy, nhiều người không khỏi tò mò BST này mang ý nghĩa thế nào để 2 cái tên đình đám của showbiz Việt nhận lời diễn chính. Công Trí chia sẻ: “Điều truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất về Coco Chanel là cuộc đời của chính bà. Bị từ bỏ, bằng tài năng, Chanel tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị bản thân, quyết liệt thiết kế đời mình, vươn lên trở thành tượng đài vĩnh cửu và lưu danh bằng triết lý sống kinh điển.
Hành trình đó khiến tôi tin rằng ‘cổ tích’ và ‘phép màu’ là có thực. Thế nên, nếu chiếc áo khoác của Chanel lấp lánh phép màu thời trang thuần khiết, thì chiếc áo dài thân thương hẳn sẽ lộng lẫy kỳ ảo hơn với kho tàng cổ tích dân gian in hằn trong ký ức ấu thơ đẹp đẽ của mỗi chúng ta”.
Bình luận