• Zalo

Sau 27 năm, 'siêu dự án' Bình Quới - Thanh Đa lại phải tìm nhà đầu tư mới

Bất động sảnThứ Tư, 11/07/2018 07:41:00 +07:00Google News

UBND TP.HCM cho biết, đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, đề xuất tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa sau 27 năm "treo" mỏi mòn.

Liên quan đến vụ hơn 4.000 hộ dân khốn khổ bởi "siêu dự án" Bình Quới - Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM) treo 27 năm của Bitexco, mới đây, thông tin từ Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, UBND thành phố đã giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND thành phố tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án này.

Theo UBND thành phố, đây là dự án có quy mô lớn, phức tạp, nên thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án có thể kéo dài. Để tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân trong khu vực, UBND thành phố giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm nhà ở cho các hộ dân trong khu vực quy hoạch. 

32313977_2078241595722669_9141703199361597440_n-1857130

Đường sá xuống cấp, nhà cửa dột nát, đầm lầy nhếch nhác,... đó là những gì đã và đang diễn ra gần 3 thập kỷ tại "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Đặc biệt, UBND thành phố lưu ý, nhà đầu tư được lựa chọn phải có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện dự án quy mô lớn để đảm bảo tính khả thi, dự án được triển khai nhanh.

Báo cáo cần nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Về tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm.

Sau khi hoàn tất, trình Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong để xin ý kiến của Thường trực UBND thành phố, trước khi báo cáo Thường trực Thành ủy.

Trước đó, như VTC News đưa tin, sau gần 3 thập kỷ được phê duyệt, hiện "siêu dự án" Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa vẫn đang tiếp tục "treo", hơn 4.000 hộ dân tại đây chỉ còn biết tự kiếm kế sinh nhai bằng cách đào ao thả cá, trồng lúa, nuôi gà... và chờ ngày được "giải thoát".

Cụ thể, toàn bộ phường 28 ở thời điểm hiện tại không khác nào những năm 90 thế kỷ trước: Đường sá xuống cấp trầm trọng, đầm lầy nhếch nhác, nhà cửa dột nát, nhiều căn chỉ che chắn tạm bợ bằng tôn và mái lá đơn sơ.

32399293_2078578762355619_7089631339309170688_n-11-1307026 3

Theo các hộ dân phường 28, kể từ khi dự án được UBND TP.HCM phê duyệt, người dân vẫn chưa một lần được “nhìn thấy mặt” nhà đầu tư.

Dọc theo các con đường đất nhỏ, vắt vẻo bên triền ao là hình ảnh những người dân mang hộ khẩu Sài Gòn đang khom mình mò cua, bắt ốc dưới ao. Đi thêm đoạn nữa, là đàn bò đang gặm cỏ, cạnh bên là những đứa trẻ mặt lấm lem bùn đất không khác nào bọn trẻ ở quê.

Có ai ngờ một bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, bao quanh là dòng sông Sài Gòn hiền hòa và kênh Thanh Đa yên bình là cuộc sống khốn khổ của 4.000 hộ dân đã kéo dài gần 3 thập kỷ.

Theo tìm hiểu của PV, với vị trí đắc địa nằm gần trung tâm thành phố và cửa ngõ lưu thông nhiều khu vực, hơn 27 năm trước, lãnh đạo TP.HCM đã muốn "biến" bán đảo Thanh Đa thành khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố.

Và để hiện thực hóa giấc mơ đó, đầu năm 1992, UBND TP.HCM chính thức phê duyệt dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng diện tích khoảng 426,93ha (bao gồm toàn bộ phường 28).

Theo dự kiến, dự án sẽ được quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

Đầu năm 2004, TP giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian dài giẫm chân tại chỗ, đến năm 2010, TP.HCM quyết định thu hồi, sau đó giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu (1/2000).

32349808_2078578792355616_8034070544343105536_n-9-1216087

Sau 27 năm quy hoạch “treo” và trải qua ba đời chủ đầu tư, dự án Bình Quới - Thanh Đa tiếp tục quay về vạch xuất phát khi phải đấu thầu lựa chọn lại nhà đầu tư mới.

Đến cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.

Từ một dự án bị quy hoạch treo hàng thập kỷ, gây bức xúc cho người dân, và rồi cái “bắt tay” giữa Bitexco với Emaar Properties PJS được xem như “luồng sinh khí mới” cho một dự án đã “đắp chiếu" hàng chục năm và sẽ đem lại kỳ vọng phát triển cho TP.HCM.

Bởi dự án có quy mô rất lớn cho nên nếu chỉ một nhà đầu tư trong nước thực hiện sẽ rất khó thành công và dễ bị sa lầy một khi tiềm lực kinh tế không đủ cung ứng. Tuy nhiên, đến năm 2017, Công ty Emaar Properties PJSC bất ngờ rút khỏi dự án, “bỏ của chạy lấy người”, khiến cho một lần nữa tương lai của dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa lại rơi vào tình cảnh khó đoán định.

Thy Huệ
Bình luận