Sáng 25/12, khu vực cửa biển Khánh Hội (thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), nơi siêu bão Linda năm 1997 khiến hơn 3.000 người chết và mất tích từng quét qua có phần yên ắng hơn ngày thường, chỉ có tiếng loa phát thông tin về bão là sang sảng từ sáng sớm.
Một người dân cho biết, họ đang bắt đầu di tản đến những nơi kiên cố hơn để tránh bão số 16 cấp thảm họa sắp đổ bộ.
Người nào có người thân ở thị trấn U Minh hoặc thành phố Cà Mau thì đến nhà người thân, còn không thì cả nhà dắt díu nhau đến ở tạm những địa điểm được chính quyền địa phương bố trí sẵn.
Trong số những người đang chuẩn bị di tản ấy có gia đình ông Thái Huỳnh Triệu (62 tuổi), người từng chứng kiến sự tàn phá khốc liệt của cơn bão Linda năm 1997.
Đã 20 năm nhưng ký ức về những xác người nổi lềnh bềnh trên mặt biển, trôi dạt vào khu vực cửa biển Khánh Hội khiến ông Triệu không thể nào quên. Trong thảm họa năm đó, Khánh Hội là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với tổng số người chết và mất tích lên đến hơn 500 người.
Ông Triệu kể, cả ngày 3/11/1997, trời yên biển lặng, không khí mát mẻ trong lành có pha chút se se lạnh của những ngày cuối năm. Không một ai tại đây nghĩ bão sẽ kéo qua hay gây thiệt hại nặng nề, nhưng đến khoảng 21h, gió bắt đầu nổi lên.
"Tối hôm đấy, tôi nghe tiếng sập nhà nên chạy ra xem, gió thổi mạnh quật tôi ngã xuống đất. Tôi phải quỳ xuống rồi bò vào nhà. Gió mạnh khủng khiếp, mưa ầm ầm, trong khi trước đó hoàn toàn yên lặng. Nhưng nó cũng chỉ khoảng 2 tiếng là tan.
Sáng ra nhìn cỏ cây nằm bẹp hết trơn, heo gà cũng lọt sông lọt biển chết dần. Lúa thóc cũng dập bẹp, hư hại hết cả. Rồi xác người cứ lần lượt trôi vào khu vực gần cửa biển", ông Triệu nhớ lại.
Theo ông Triệu, những thi thể ấy đều là của các thuyền viên trên những chuyến tàu ngoài khơi chưa kịp vào đất liền trú bão.
Video: Ông Triệu kể về trận bão lịch sử năm 1997
Ông chia sẻ: "Sau trận bão, có mấy anh em sống sót trở về. Họ kể là trước khi bão đến cũng có nghe đài báo um sùm, nhưng lúc ấy mực ăn nhiều lắm. Câu được mẻ mực lớn, lại thấy trời yên biển lặng nên anh em ham. Khi bão ập đến bất ngờ, họ không kịp vào nơi trú ẩn, chỉ còn vài người may mắn sống sót trở về".
Rồi ông khẳng định, thời tiết trận bão số 16 này giống hệt như cơn bão Linda năm 1997, cũng yên ắng, không mưa và mát mẻ.
"Hiện tượng này y chang cơn bão Linda, đến 9h tối mà nó nổi dậy là đúng luôn. Nhưng lần này nghe đài báo nó giật đến cấp 12 lận, trong khi hồi trước chỉ giật có cấp 9 với 10. Khả năng lần này nếu đổ bộ vào thì nó còn dữ dội hơn nhiều", ông Triệu chia sẻ.
Đối với ông Triệu, ký ức về trận bão Linda năm 1997 vẫn còn nguyên vẹn và ám ảnh mãi tới tận bây giờ. Vì thế, khi nghe tin cơn bão số 16 mạnh nhất từ trước đến nay tấn công Nam Bộ, ông không khỏi lo lắng và hoang mang.
Tuy nhiên, không phải người dân Khánh Hội nào cũng lo lắng như ông Triệu để di tản. Gần đó, ngôi nhà của chị Huỳnh Mỹ Lệ nằm sát bên bờ kè cửa biển, nhưng chị lại bình thản cho biết khi nào thấy tình hình căng thẳng thì mới chạy.
Không chỉ riêng chị Lệ, nhiều người đàn ông sống tại đây chỉ cho vợ và con đi di tản, còn mình ở lại giữ nhà, giữ thuyền. Kể cả những người từng trải qua và chứng kiến thảm họa Linda năm 1997 cũng chép miệng cho rằng: "Nếu nó mà vào thì thật thì cũng phải chịu chứ sao".
Một cán bộ UBND xã Khánh Hội cho biết, địa phương đã tổ chức đi thị sát và yêu cầu người dân nhanh chóng di dời, đến thời gian quy định nếu ai không đồng ý sẽ bị cưỡng chế. Hiện, lực lượng biên phòng tại đây cũng tăng cường tuần tra, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng 100% để ứng phó tình hình thời tiết nếu bão 16 đổ bộ.
Bình luận