Trong gần một năm trở lại đây, Tổng công ty cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vướng phải nhiều lùm xùm như tranh cãi tại sao Sabeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán và bổ nhiệm sai luật ông Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.
Dù gặp nhiều lùm xùm nhưng xét về hiệu quả kinh doanh, Sabeco vẫn có khả năng “đẻ trứng vàng” tốt hơn Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco). Trong khoảng thời gian 10 năm (2006-2015), lợi nhuận của Sabeco tăng gấp 10 lần Habeco.
Sabeco tăng trưởng gấp đôi
10 năm trước, các chỉ tiêu kinh doanh của Sabeco và Habeco đã có mức chênh khá lớn và 10 năm sau, chênh lệch này được nới rộng lên rất nhiều do Sabeco tăng trưởng tốt hơn Habeco, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.
Năm 2006, lợi nhuận sau thuế của Sabeco và Habeco lần lượt là 770 tỷ đồng và 310 tỷ đồng. Như vậy, tiền lãi của Sabeco cao gấp 2,5 lần so với Habeco.
10 năm sau, lợi nhuận sau thuế của Sabeco vọt lên 3.600 tỷ đồng, tăng 2.830 tỷ đồng, tương ứng 368% so với năm 2006. Còn lợi nhuận sau thuế của Habeco đạt 952 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng, tương ứng 207%.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của Sabeco cao gần gấp đôi Habeco.
Năm 2006, tổng tài sản Habeco đạt 2.167 tỷ đồng, Sabeco là 5.901 tỷ đồng. Tới năm 2015, tổng tài sản tại Habeco tăng 7.769 tỷ đồng lên 9.936 tỷ đồng; Sabeco tăng 15.671 tỷ đồng lên 21.572 tỷ đồng.
Sau 10 năm, chênh lệch doanh thu của 2 ông lớn 2 miền cũng được nới rộng hơn. Năm 2006, chỉ tiêu này của Sabeco và Habeco lần lượt là 5.762 tỷ đồng và 723 tỷ đồng. Nghĩa là doanh thu của Sabeco nhiều hơn của Habeco 5.039 tỷ đồng.
Tới 2015, Sabeco và Habeco đạt doanh thu 27.166 tỷ đồng và 9.654 tỷ đồng. Khoảng cách giữa doanh thu 2 ông lớn tăng từ 5.039 tỷ đồng lên 17.512 tỷ đồng.
Thua xa Sabeco về các chỉ tiêu kinh doanh chính, nhưng Habeco gần đuổi kịp Sabeco về nợ. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng nợ tại Sabeco và Habeco lần lượt là 1.662 tỷ đồng và 1.252 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu của 2 doanh nghiệp này là 6.413 tỷ đồng và 2.318 tỷ đồng.
Cùng “né” bị thâu tóm
Mặc dù tốc độ phát triển của Habeco “đuối” hơn hẳn Sabeco nhưng cũng như Sabeco, Habeco vẫn luôn là “miếng mồi” ngon của ông lớn bia nước ngoài, mà cụ thể ở đây là Carlsberg Breweries A/S.
Hiện tại, Carlsberg Breweries A/S đang nắm giữ hơn 17% vốn Habeco. Nhiều năm qua, Carlsberg Breweries A/S luôn tỏ rõ mong muốn mua thêm cổ phần Habeco để nâng tỷ lệ nắm giữ tại công ty này lên 30%. Tuy nhiên, thương vụ này chưa thể thực hiện được dù Carlsberg Breweries A/S được sự ủng hộ của Bộ Công thương.
Tại Đại hội cổ đông, lãnh đạo Habeco không hài lòng về Carlsberg Breweries A/S vì cho rằng, công ty không được hưởng lợi gì từ Carlsberg Breweries A/S mà ngược lại, Carlsberg Breweries A/S còn nắm giữ nhiều bí mật kinh doanh của Habeco.
Có thể thấy, Habeco đã cố “né” bị Carlsberg Breweries A/S thâu tóm. Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải thoái vốn Nhà nước và niêm yết cổ phiếu của nhiều công ty lớn, trong đó có Sabeco, Habeco trên thị trường chứng khoán. Điều đó đồng nghĩa với việc, Carlsberg Breweries A/S có nhiều cơ hội mua vào cổ phiếu, từ đó thâu tóm Habeco.
Trong khi đó, Sabeco còn được đại gia ngoại “nhòm ngó” nhiều hơn. Vài năm trước đây, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã tiếp xúc với cơ quan chức năng Việt Nam để mua cổ phần của Sabeco.
Đầu năm 2015, ThaiBev đã đưa ra mức giá 80.000 đồng cho một cổ phiếu Sabeco, cao hơn khoảng 60% so với giá giao dịch trên thị trường OTC. Tại thời điểm đó, giá Sabeco dao động từ 45.000 đồng tới 50.000 đồng/CP.
Với việc muốn mua 40% cổ phần của Sabeco, ThaiBev sẽ phải chi ra gần 1 tỷ USD.
Thế nhưng, cho tới nay, sau 2 lần bị từ chối, ThaiBev vẫn chưa thể thâu tóm thành công Sabeco. Tuy nhiên, khi thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco, ThaiBev sẽ có nhiều cơ hội.
Bình luận