• Zalo

Sạt lở ở Sài Gòn, dân mất ngủ vì sợ nhà bị cuốn xuống sông

Thời sựThứ Sáu, 02/06/2017 08:00:00 +07:00Google News

Sau khi xảy ra sạt lở nghiêm trọng ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) nhiều hộ dân ở đây không ngủ được vì sợ nhà sẽ bị cuốn xuống sông Rạch Tôm.

Sáng 1/6, ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng các lãnh đạo ban ngành thuộc Sở GTVT đã thị sát tuyến đường ven sông Rạch Tôm (xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), nơi xảy ra hiện tượng nứt nẻ, sạt lở những ngày qua. Sự việc trên khiến 7 hộ dân bị ảnh hưởng.

Sau khi thị sát, phát hiện vết nứt gây nguy cơ sạt lở cao, ông Khoa cho biết sẽ đề nghị UBND huyện Nhà Bè khẩn trương di dời 7 hộ dân đến nơi ở mới.

IMG_1247

 Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng các lãnh đạo ban ngành thuộc Sở GTVT đã thị sát tuyến đường ven sông Rạch Tôm bị sạt lở.

“Theo quan sát, có vết nứt, và qua đây, chúng ta không nên chủ quan, có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào. Tôi sẽ giao cho Sở GTVT 5 ngày để kiểm tra, rồi báo cáo lên TP. Qua đó, cần khảo sát lại 44 điểm sạt lở ở TP để có biện pháp khắc phục như nghiên cứu các phiến kè…để tránh tình trạng sạt lở”, ông Khoa cho biết.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, vết nứt dài hơn 40m, rộng 20-60cm, cách mép sông 1-6m, tại hẻm 1740 do Khu Quản lý đường thủy nội địa làm quản lý.

Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM nhận định: “Vết nứt tại con đường nông thôn này rất nguy hiểm, có nguy cơ gây sạt lở rất cao, đặc biệt, sắp đến mùa mưa. Vì thế, chúng ta cần khẩn trương, khắc phục.”

IMG_1270

 Tuyến đường bị sạt lở.

Cũng tại buổi thị sát, Đại diện Khu Quản lý đường thủy nội địa cho hay, nếu sạt lở xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống hạ tầng và các hộ dân đang sinh sống trên diện tích khoảng 500 - 600m2 với khoảng 7 - 8 nhà dân.

Sau chuyến thị sát, UBND TP HCM giao Sở GTVT TP.HCM, Khu Quản lý đường thủy nội địa, UBND huyện Nhà Bè, UBND xã Nhơn Đức chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện ngay việc vận động, di dời tài sản và bố trí nơi tạm trú an toàn cho các hộ dận này và rào chắn toàn bộ khu vực trên, theo dõi diễn biến sạt lở để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tại hiện trường lực lượng chức năng giăng dây rào chắn, phong tỏa toàn bộ khu vực xảy ra vụ sạt lở.

Video: Sạt lở ở Quảng Bình, nhiều hộ dân bị cô lập

Theo quan sát, nhiều vết nứt toác, sụt lún dài ở đường và nhà dân tạo thành những khoảng trống nằm sâu dưới mặt đất. Một nhà dân bị ảnh hưởng đã được chính quyền vận động, di dơi qua qua chỗ ở tạm mới.

Anh Đỗ Đức Lợi (34 tuổi, nhà sát hiện trường) cho biết khu vực này trước đây từng có vết nứt nhỏ, và đã báo cho chính quyền địa phương nhưng không ai xuống khắc phục. Sợ vết nứt nghiêm trọng, anh Lợi cùng người dân xung quanh đã khắc phục bằng cách đổ bê tông san lấp vết nứt.

“Sáng 30/5, tôi thấy vết nứt ngày trên mặt đường ngày càng dài và sâu và xuất hở hàm ếch nham nhở. Rất may, thời điểm xảy ra không có hiện tượng sạt lở. Sự việc khiến nhiều người dân hoang mang tháo chạy ra ngoài”, anh Lợi kể lại.

IMG_1265 3

 Người dân đứng ngồi không yên vì sạt lở.

Theo anh Lợi, ngay sau đó, người dân đã báo cho chính quyền địa phương đến kiểm tra thực hiện di dời một số hộ dân bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, nhiều ngôi nhà gần khu vực này vẫn chưa được có hướng xử lý, đảm bảo an toàn.

“Từ khi xuất hiện vết nứt và ngày một lớn, gia đình luôn nơm nớp lo sợ, chợp mắt lại sợ nhà sập xuống sông. Hy vọng chính quyền địa phương sớm có giải pháp xây kè, khắc phục sớm cho người dân an tâm”, chị Hồng cho hay.

Quang Anh

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới