Trước những đồn thổi về việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, phía Sacombank đã lên tiếng khẳng định thông tin này và cho biết, hai ngân hàng đang chuẩn bị các thủ tục để trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch này trong kỳ họp ngày 25/3.
Thực tế, việc nhóm cổ đông lớn nắm quyền điều hành tại Sacombank, trong đó có cá nhân ông Trầm Bê (người đang nắm tỷ lệ cổ phần trên 20% tại Southern Bank cùng một số thành viên trong gia đình) đã phần nào cho thấy tương lai Southern Bank và Sacombank sẽ về chung một nhà.
Southern Bank sẽ tránh được gánh nợ lớn khi về cùng mái nhà với Sacombank. Ảnh: Đ.T
Ông Trầm Bê hiện là Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank, còn con trai ông (Trầm Khải Hòa) là thành viên HĐQT.
Tổng cộng đến hết năm 2013, ông và 3 người con nắm khoảng 6,8% cổ phần của Sacombank. Không chỉ vậy, một nửa bộ lãnh đạo cấp cao của Sacombank hiện nay cũng là người cũ từ Southern Bank.
Cùng chung một cổ đông lớn, việc sáp nhập SouthernBank vào Sacombank dường như là câu chuyện sớm muộn sẽ xảy ra.
Vấn đề còn lại đang được nhiều người quan tâm là quyền lợi của cổ đông, cán bộ, nhân viên của 2 ngân hàng sẽ được sắp xếp như thế nào và việc sáp nhập sẽ làm cho Sacombank - một ngân hàng được đánh giá là mạnh hơn đối tác của mình - yếu đi hay tốt lên…
Có thể thấy rằng, cái lợi trước mắt của việc Southern Bank và Sacombank về một mái nhà là chống sở hữu chéo. Vì thế, trong những ngày qua, mặc dù có những thông tin trái chiều về việc sáp nhập Southern Bank liệu có kéo lùi Sacombank, hay cổ đông Sacombank liệu có bị thiệt…, nhưng giá cổ phiếu STB của Sacombank giao dịch trên sàn vẫn tăng và khối ngoại tiếp tục mua ròng.
Ông Phan Huy Khang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tổng tài sản của Sacombank hiện nay là hơn 160.000 tỷ đồng, với mạng lưới 424 điểm giao dịch. Còn Southern Bank có tổng tài sản 77.000 tỷ đồng và mạng lưới là 141 điểm.
Như vậy, sau sáp nhập, Ngân hàng Sacombank mới sẽ có gần 240.000 tỷ đồng tài sản và mạng lưới khoảng 565 điểm. Khi đó, tổng tài sản và mạng lưới của Ngân hàng Sacombank mới chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh là Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Đây là điều tốt cho sự phát triển của ngân hàng mới.
Southern Bank là ngân hàng hoạt động kém hiệu quả trong những năm qua. Đến thời điểm này, Southern Bank vẫn chưa công bố kết quả hoạt động của năm 2013, nhưng báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm qua được Southern Bank đưa ra cho thấy, lợi nhuận chưa đạt 50% kế hoạch cả năm là 650 tỷ đồng trước thuế, trong khi nợ xấu lại có dấu hiệu tăng lên gần 4%.
Vì thế, Southern Bank sẽ tránh được gánh nợ và có cơ hội để tồn tại, phát triển khi về cùng mái nhà với Sacombank. Trước khó khăn hiện nay cùng với việc Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thực hiện đề án tái cấu trúc ngành, nếu không xin về với Sacombank, Southern Bank khó có thể tồn tại.
Phía Sacombank cho rằng, việc đơn vị xin sáp nhập hoạt động yếu kém, nợ xấu tăng… cũng không phải là điều quá lo ngại đối với Sacombank. Trước đó, cũng đã không ít ngân hàng phải gánh khoản nợ lớn từ đơn vị bị sáp nhập, như SHB phải gánh khoản nợ đến 1.800 tỷ đồng từ Habubank.
Thậm chí, khi có thêm Southern Bank, Sacombank sẽ có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động bằng con đường ngắn nhất. Mạng lưới của Sacombank hiện đã nhiều hơn so với một số ngân hàng khác, nhưng chưa thể phủ kín và rộng khắp. Trong khi đó, để thực hiện chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, đòi hỏi Sacombank phải có mạng lưới phủ kín, nhưng Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế ngân hàng mở rộng mạng lưới.
Thực tế cũng cho thấy, việc sáp nhập 2 ngân hàng trên được xem là xu hướng tất yếu trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay và cũng nằm trong định hướng tái cơ cấu ngành đang được Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh.
Bình luận