• Zalo

Sao xã hội thời đam mê 'Trên từng cây số' lại yên bình, không lạnh lùng vô cảm, giết chóc như giờ?

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 29/11/2019 17:49:00 +07:00Google News

Hoài niệm, tiếc thương Deyanov chính là hoài niệm về thời thanh xuân đẹp đẽ, yên bình, xã hội đầy tình người chứ không lạnh lùng, vô cảm như thời này.

Ngày 27/11, tôi sững người khi đọc được tin Stefan Danailov qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. 

Stefan Danailov là một cái tên lừng lẫy của điện ảnh Bulgaria. Ông được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 1983 và giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Bulgaria trong giai đoạn từ 2005 - 2009.

Đối với khán giả trẻ ngày nay, Stefan Danailov có thể là một cái tên xa lạ, nhưng với những khán giả thập niên 70, ông rất được yêu thích với vai Deyanov trong bộ phim truyền hình "Trên từng cây số".

Thời đó, tôi cũng như nhiều khán giả Việt mê đắm nhân vật Deyanov do Stefan Danailov thủ vai. Chúng tôi thường treo tranh của ông trong nhà, để trong ví thỉnh thoảng lấy ra ngắm. Các nam thanh niên mơ ước được như Deyanov, còn các thiếu nữ mơ ước có được chàng trai giống như Deyanov.

Vẻ ngoài của Stefan Danailov còn được coi là chuẩn mực của cái đẹp. Thế nên chúng tôi khi ấy thường nói: “Đẹp trai như Đây-a-nốp”. Cụm từ “trên từng cây số” cũng vì thế mà trở thành câu nói thường ngày của người Việt cho tới tận bây giờ.

1

 Khán giả Việt trong thập niên 70 từng có câu nói: "Đẹp trai như Đây-a-nốp".

Khi trò chuyện với bạn bè cùng thế hệ, tôi nhận ra,tới tận thời điểm này họ vẫn cảm thấy bồi hồi khi nhắc tới "Trên từng cây số". Bởi họ cũng giống như tôi, khi nhắc tới bộ phim đó là nhắc tới những ký ức tươi đẹp của tuổi thanh xuân, của cái thời mà cuộc sống vật chất còn rất thiếu thốn nhưng “người với người sống để yêu nhau”.

Thời đó, các phương giải trí đâu có nhiều như bây giờ. Đài truyền hình Việt Nam lúc đó chỉ chiếu phim vào các buổi thứ 4 và chủ nhật. Thế nên, vào giờ đó, mọi người thường gác lại công việc, í ới rủ nhau đi xem tivi.

Mà không phải nhà nào cũng có một hoặc vài chiếc tivi như bây giờ. Tôi nhớ, cả khu phố tôi ở chỉ có một vài cái. Trước giờ chiếu phim, chủ nhà còn phải cẩn thận kê lại đồ đạc trong nhà, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, pha trà nước để mời mọi người. 

Ai nấy đi xem phim đều vui như trẩy hội. Họ vừa xem vừa trò chuyện rôm rả. Họ sụt sùi khóc cho những nhân vật đáng thương, họ thích thú cười phá lên trước những chi tiết hài hước, họ tức giận trước những bất công được đề cập trong phim. 

Cũng nhờ những buổi chiếu phim thế mà mọi người có thể bỏ qua những mâu thuẫn đời thường một cách dễ dàng. Họ có thể cãi nhau, có thể không vừa lòng với nhau ngày trước, nhưng khi ngồi cạnh nhau, cùng nhau xem một bộ phim, cùng khóc cười cho một nhân vật thì họ lại có thể vui vẻ với nhau.

Video: Trích đoạn trong phim "Trên từng cây số"

"Trên từng cây số" chỉ là một trong số những bộ phim tiêu biểu của điện ảnh khối Xã hộ chủ nghĩa (XHCN) được công chúng Việt Nam yêu thích thời đó.

Thập niên 70 - 80, đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, thù trong giặc ngoài vẫn đang lăm le xâm lăng bờ cõi, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đủ thứ, các sản phẩm văn hoá còn nghèo nàn, những bộ phim, chủ yếu của khối các nước XHCN, nhiều nhất là Liên Xô, CHDC Đức, Bulgaria, Tiệp Khắc, Ba Lan… như làn gió tràn đến len lỏi vào tâm hồn tràn đầy khí thế xây dựng cuộc sống mới XHCN và tương lai tươi sáng.

Người Việt thế hệ từ 4X trở lên đến đầu 8X thuộc nằm lòng những bộ phim ấy bởi họ có bao năm đắm say với “Trên từng cây số”, “Cuộc chiến đấu một mất một còn”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Hồ sơ thần chết”, “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, “Những kẻ báo thù không bao giờ bị bắt”, “Và nơi đây bình minh nơi đây yên tĩnh”, “Nàng công chúa và hạt đậu”, “Ruslan và Lyudmila”, “Matxcơva không tin vào những giọt nước mắt”, “Čestmír - Cậu bé biết bay”, “Cô bé đến từ những đám mây”… 

Những tác phẩm điện ảnh hằn sâu vào ký ức và thậm chí trở thành một phần quan trọng của cuộc đời bao lớp người Việt.

Những bộ phim ấy, không chỉ là phương tiện giải trí của người Việt lúc bấy giờ mà nó đem lại cho người ta niềm tin về một tương lai tươi sáng. Ở đó, chiến tranh sẽ nhất định được chấm dứt, những người con đi xa rồi sẽ trở về, những người vợ sẽ không còn phải mòn mỏi chờ chồng, và những đứa trẻ sẽ được chạy ùa vào vòng tay yêu thương mở rộng của cha. 

Những bộ phim đó thổi bùng lên ngọn lửa thanh xuân đầy nhiệt huyết trong những chàng trai, cô gái, để họ dám sống một cuộc sống không chỉ có riêng mình.

75543471_2166829516752206_3684371629686652928_n 3

"Khi đàn sếu bay qua" - một trong những bộ phim in đậm trong tâm trí khán giả Việt. 

Nhớ về Deyanov của “Trên từng cây số”, Tikhonov của “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”, Boris và Veronhica của “Khi đàn sếu bay qua”… chính là hoài niệm về thời thơ ấu, về thời thanh xuân còn nghèo khó nhưng đầy nhiệt huyết, đầy ước mơ về tương lai tươi sáng. Công bằng mà nói, nhiều bộ phim, trong đó “Trên từng cây số” có chất lượng nghệ thuật chưa cao, nhưng vẫn mang lại những giá trị rất lớn lao thời bấy giờ.

Những bộ phim ấy đã góp phần hình thành nên nhân cách bao lớp người Việt ở thâp niên 60 - 70 - 80, góp phần tạo ra xã hội nhân văn, yên bình, tuy nghèo nhưng đầy tình người.

Xã hội đó khác hẳn xã hội hôm nay, đầy rẫy sự lạnh lùng, vô cảm, đầy rẫy những vụ án mạng con giết cha, ông bà giết cháu, người thân gia đình giết nhau chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ.

Chu Thơm
Bình luận
vtcnews.vn