Sao Mai 2022 trở lại với nhiều đổi mới. Chương trình không chỉ được phát trên VTV mà còn xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, Facebook, Tik tok… Đặc biệt, Sao Mai năm nay sẽ đón nhận tất cả những luồng gió mới. Thí sinh được thoải mái lựa chọn những ca khúc ''hit'' thuộc dòng nhạc giải trí để dự thi. Sự trẻ trung, gần gũi với khán giả, tiệm cận với hơi thở âm nhạc đại chúng chính là điều cuộc thi hướng tới.
Là giải thưởng âm nhạc lớn có lịch sử phát triển hơn 20 năm, Sao Mai vẫn không ngừng đổi mới trong từng mùa giải để mang đến những làn gió tươi mát. Cuộc thi có tiền thân là Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1997, đây cũng là cuộc thi hát trên truyền hình đầu tiên tại Việt Nam. Mùa giải này tạo ra dấu ấn mạnh mẽ, giúp cuộc thi trở thành sân chơi uy tín thu hút hầu hết những giọng ca trẻ trên mọi miền Tổ quốc, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.
Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc lần thứ 2 năm 1999 chứng kiến cuộc ''đổ bộ'' của hàng loạt giọng ca xuất sắc mà sau này đều trở thành các ca sĩ đình đám của làng nhạc Việt như Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương, Ka Sim Hoàng Vũ... Họ được coi là ''lứa'' Sao Mai thành công nhất cho đến tận bây giờ.
Đến mùa thứ 3 (năm 2001), Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc được đổi tên thành giải Sao Mai. Người đầu tiên đăng quang với cái tên Sao Mai là Phương Nga.
Sao Mai có cuộc cải cách cực kỳ lớn vào năm 2005 khi lần đầu tiên cuộc thi chia thành ba dòng nhạc: Thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ. Thời điểm ấy, có nhiều tranh luận về tên gọi ba dòng nhạc, cũng như sự cần thiết tách ra ba thể loại… nhưng nhìn chung, giới truyền thông, người hâm mộ đều đồng tình với sự phân loại này. Đặc biệt, các thí sinh ủng hộ nhiều nhất bởi đây là cơ hội để thí sinh dòng nhạc dân gian và nhạc nhẹ thể hiện tài năng.
Việc thay đổi format đã chứng kiến sự lên ngôi của ba quán quân cho ba dòng nhạc. Đây cũng là mùa đầu tiên không có giải Ba, mỗi dòng nhạc chỉ có một giải Nhất cùng hai giải Nhì.
Năm 2007, Sao Mai được tổ chức tại Nha Trang, ghi dấu một mùa giải được đầu tư cả về chất lượng nghệ thuật và quy mô. Lần đầu tiên, dàn nhạc được đầu tư “hoành tráng” đáp ứng cho từng dòng nhạc. Đây cũng là năm đầu tiên của lịch sử Sao Mai, một thí sinh dòng nhạc thính phòng "dám" lựa chọn ca khúc semi classic nhẹ nhàng và bay bổng (Dương cầm thu không em) để dự thi đêm chung kết xếp hạng và giành giải Nhất.
Sao Mai năm 2009, 2011, 2013 không có nhiều thay đổi khi đã đi vào ''guồng'' và đã trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả. Tuy nhiên ở thời điểm này, sự ''đổ bộ'' của các cuộc thi âm nhạc mới lạ, hiện đại như Vietnam Idol, Giọng hát Việt… khiến các ca sĩ Sao Mai chịu thiệt thòi so với những mùa trước.
Năm 2013 là mùa thi đầu tiên có yếu tố ''nước ngoài'', nhiều thí sinh Việt kiều trở về Việt Nam tham dự vòng chung kết sau khi đã qua vòng tuyển chọn ở nước sở tại (do BTC ở Việt Nam cử BGK qua sơ tuyển). Yếu tố này tạo nên luồng sinh khí mới mẻ cho Sao Mai. Hai năm 2015 và 2017 đều chứng kiến sự lên ngôi của dòng nhạc thính phòng cùng hai quán quân trở về từ ngoại quốc.
Năm 2019, Sao Mai được tổ chức với format khá mới lạ: Vòng chung kết không chia thành từng đêm thi cho mỗi dòng, mà trộn lẫn tất cả các dòng nhạc vào thi từng đêm, mỗi đêm sẽ loại một thí sinh của mỗi dòng nhạc. Tính chất loại trực tiếp từng đêm giúp cho Sao Mai trở nên trở nên gay cấn và hấp dẫn, lấy lại phong độ ngày xưa, áp đảo ''đối thủ'' là Giọng hát Việt, trở thành cuộc thi hát được quan tâm nhất năm đó.
Bình luận