Trả lời VTC News, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội nói:
Hiện nay có thực tế là công việc đã được pháp luật quy định cho chính quyền địa phương các cấp, nhưng rất tiếc chính quyền địa phương lại thấy có gì khó khăn, vướng mắc nhưng không tự giải quyết mà cứ hỏi ý kiến Chính phủ, đùn công việc lên cho Chính phủ. Vì vậy, khối lượng công việc của Chính phủ tăng lên rất nhiều.
- Thực tế các địa phương đang đùn việc lên Chính phủ như thế nào, thưa ông?
Trong một lần tổng kết Luật Tổ chức Chính phủ, các số liệu thống kê chỉ ra có tới 80% khối lượng công việc của các cấp bên dưới nhưng lại đẩy lên Chính phủ.
Chính vì vậy, công việc của Chính phủ tăng lên rất nhiều. Điều đó dẫn tới những công việc liên quan đến việc xây dựng chính sách vĩ mô của Chính phủ đã bị ảnh hưởng nhiều.
Hiện trạng đó thể hiện chính quyền địa phương luôn trong tình trạng không chủ động, không tự giải quyết các công việc mà chức năng nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.
Ngoài ra, việc đó cũng thể hiện địa phương đang đẩy trách nhiệm lên Chính phủ. Lãnh đạo địa phương cứ thấy cái gì khó, dù biết thừa là việc của chính quyền địa phương nhưng thôi tốt nhất cứ hỏi ý kiến Chính phủ. Chính phủ cho ý kiến thế nào thì thực hiện như thế. Nếu có ai hỏi thì bảo Chính phủ chỉ đạo. Tức là có việc đẩy trách nhiệm đi cho người khác.
- Vì sao có thực tế hàng loạt địa phương cứ có việc là “cầu cứu” Thủ tướng, Chính phủ thưa ông?
Có nhiều lý do nhưng tôi cho rằng có một lý do quan trọng để xảy ra việc này là địa phương thiếu sự chủ động, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc đã được giao trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ mà pháp luật đã quy định.
Lãnh đạo địa phương không dám chịu trách nhiệm mà thực hiện nhiệm vụ đó.
- Việc đùn đẩy công việc từ địa phương lên Chính phủ khiến cho việc quản trị đất nước sẽ thế nào, thưa ông?
Điều này sẽ ảnh hưởng ngay đến hiệu quả điều hành của Chính phủ. Điều này sẽ khiến cho Chính phủ cứ sa đà vào những công việc, sự vụ cụ thể. Trong khi đó, những công việc đó thì Chính phủ không phải làm, không phải thực hiện.
Khi không phải làm các công việc của địa phương, Chính phủ sẽ có thời gian để điều hành công việc ở tầm vĩ mô.
- Nhưng để các địa phương làm đúng chức năng, quyền hạn đã được quy định trong luật cũng không phải là điều đơn giản?
Chính quyền địa phương các cấp phải làm theo đúng quyền hạn và nghĩa vụ mà pháp luật đã quy định và phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện của mình. Địa phương cũng không được đẩy trách nhiệm lên trên.
Nếu nói đúng ra, ở đây là địa phương thiếu tinh thần trách nhiệm. Trong một số trường hợp cụ thể là thể hiện sự vô trách nhiệm.
Video: Hiện trường vụ việc khiến Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị "cát tặc" đe doạ
- Nhiều trường hợp thể hiện sự “vô trách nhiệm” như ông nói nhưng tại sao lãnh đạo địa phương không bị xử lý?
Tôi cũng không thể trả lời câu hỏi này.
Thực tế, đúng là thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý. Nhưng ở trong những việc này, lãnh đạo địa phương cũng không coi là thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả gì.
- Như vậy thì phương án giải quyết vấn đề này phải đến từ Chính phủ, thưa ông?
Tôi cho rằng Chính phủ cũng xem xét có cần phải trả lời những đề nghị đó của các địa phương hay không.
Chính phủ cần phải phân loại ra những vấn đề gì thuộc chính quyền địa phương, thì địa phương phải làm.
Vì sao lại cứ phải có ý kiến của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng rồi địa phương mới thực hiện việc nọ việc kia. Trong khi đó, việc đó là của chính quyền địa phương.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
Tôi ví dụ như những trường hợp vừa qua. Vì sao lại cứ phải có ý kiến của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng rồi địa phương mới thực hiện việc nọ việc kia. Trong khi đó, việc đó là của chính quyền địa phương.
Tôi ví dụ cụ thể các vụ việc hiếp dâm trẻ em xôn xao dư luận vừa qua cũng phải có chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng thì địa phương mới làm. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đây là gì?
- Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phải “cầu cứu” Thủ tướng khi bị “cát tặc” đe doạ liệu có hợp lý không, thưa ông?
Tôi cho rằng vấn đề đó thì chính quyền địa phương cần phải tự giải quyết lấy. Đó là bức xúc của địa phương.
Những vấn đề gì liên quan đến Bộ, ngành thì mới phản ánh lên Chính phủ. Việc Bộ Giao thông Vận tải cấp phép nạo vét luồng sông mà bị lợi dụng sang việc khác thì mới phản ánh lên Chính phủ. Lúc đó, Chính phủ chỉ đạo các Bộ để có chỉ đạo chung.
Còn những việc hoàn toàn liên quan đến quản lý ở địa phương của mình thì làm sao phải liên quan đến Chính phủ.
Liên quan đến công tác an ninh thì hoàn toàn địa phương có thể đảm nhận được vấn đề này.
- Theo TS Ngyễn Sĩ Dũng, sở dĩ có tình trạng này do các cấp chính quyền tổ chức theo mô hình Xô Viết, nghĩa là các lĩnh vực quản lý đều có cơ quan cấp trên theo ngành dọc từ địa phương lên đến trung ương? Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Bàn chuyện đó rất dài và liên quan đến nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn.
Tôi cho rằng hiện nay, Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương đã có quy định rất cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu. Những quy định đã rất cụ thể, trên tất cả các lĩnh vực.
Địa phương phải có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề gì vượt quá thẩm quyền, thuộc thẩm quyền cấp trên thì mới báo cáo Chính phủ.
Việc địa phương mà đẩy nhiệm vụ lên Chính phủ thì rõ ràng là trách nhiệm của địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 22/9/2016, làm việc ở Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã nhấn mạnh:
“Các đơn vị, địa phương phải xử lý công việc theo đúng thẩm quyền, trách nhiệm. Không được né việc bằng cách xin ý kiến Chính phủ.
Mặc dù đã phân cấp nhưng vẫn có Bộ và địa phương né việc, đẩy công việc lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến. Nếu khắc phục được tình trạng này, lượng văn bản trình lên Văn phòng Chính phủ sẽ giảm được ít nhất 20%.”
Bình luận