Tiếp nối câu chuyện về suy thoái văn hóa của sử gia Dương Trung Quốc qua bài: “Suy thoái văn hóa chạm ngưỡng, đẩy dân tộc đến thảm họa khôn lường”, nhà nghiên cứu văn hóa - Giáo sư Trần Ngọc Vương có những chia sẻ về sức mạnh văn hóa trong bảo vệ và phát triển đất nước.
GS-TS, NGƯT Trần Ngọc Vương là giảng viên khoa Văn học ĐHKHXH&NV thuôc ĐH Quốc gia Hà Nội. Ông có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa liên quan đến bảo vệ chủ quyền đất nước, trong đó phải kể đến Chủ nghĩa duy tâm của một quan niệm về lãnh thổ; Nguyễn Trãi với việc thể hiện khí phách và bản sắc dân tộc...
- Là người từng có nhiều năm nghiên cứu, gắn chặt với đời sống văn hóa dân tộc, nhìn nhận thẳng thắn, ông có thấy một sự thật đau lòng, rằng thực trạng nền văn hóa của chúng ta đang ‘có vấn đề’ rất lớn?
Hơn 70 năm trước đây, Tản Đà có những câu thơ mà đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự:
Dân 25 triệu ai người lớn
Nước 4000 năm vẫn trẻ con.
Có ai hỏi tại sao một dân tộc có bề dày lịch sử 4000 năm vẫn được bậc thi bá một thời ví như trẻ con? Trong khi chúng ta không phải nước bé, rất nhiều chỉ tiêu về dân số, quy mô nền kinh tế,…của chúng ta đều ở thứ hạng cao trên thế giới. Đó là bởi cái chúng ta thiếu, là một cấu trúc văn hóa ổn định.
Tôi phải khẩn thiết lưu ý rằng, nền văn hóa của chúng ta đang thực sự rơi vào tình trạng nguy hiểm, một sự suy thoái đáng báo động chứ không đơn thuần là có vấn đề nữa.
Ở thời điểm này, câu chuyện văn hóa còn đáng báo động hơn, nặng nề hơn cả vấn đề kinh tế, bởi yếu tố văn hóa – là nền móng đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài.
- Nguyên nhân của tình trạng này đến từ đâu thưa ông?
Đi tìm nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng này, như tôi vừa nói, nằm ở chỗ là chúng ta không có được một cấu trúc vĩ mô của một nền văn hóa cố định, ổn định và duy trì liên tục để trở thành truyền thống.
Đừng nhầm giữa câu chuyện bề dày lịch sử và văn hóa. Lịch sử là câu chuyện khác, văn hóa là câu chuyện khác.
Một nền văn hóa bất kì nào chuyển tải những giá trị đặc trưng, có bản sắc, dấu hiệu nhận biết quan trọng ở người quan sát từ bên ngoài là người ta cảm thấy bị hấp dẫn, cảm thấy yêu mến, mong muốn thưởng thức, chia sẻ, và vận dụng những thành tựu của nền văn hóa ấy trong đời sống.
Ví dụ đơn giản, quần bò là một giá trị văn hóa, người ta biến nó thành một mốt quần áo thông dụng. Từ những chiếc quần bò dành cho anh cao bồi chăn ngựa miền tây nước Mỹ, nó trở thành thời trang đi vào đời sống mọi nơi trên thế giới bởi người ta cảm nhận thấy nét đẹp của nó, sự hấp dẫn của nó. Và nó trở thành một sự chia sẻ, cộng hưởng giá trị.
Thường những giá trị văn hóa khi được đại chúng hóa, nó phải có lý do nào đó, nói như triết gia Hêghen: Tồn tại là hợp lý, hay Ăngghen nói: Cái hợp lý sẽ tồn tại.
Vì thế nên từ xưa đến nay, có một nguyên tắc đi kèm: Người ta không thể chỉ quản lý văn hóa bằng các mệnh lệnh hành chính, mệnh lệnh hành chính không cưỡng bức văn hóa được, đôi khi nó gây hiệu ứng ngược lại.
Truyền hình chính thống không kém cạnh khi tung ra những hình ảnh "văn hóa" thế này
- Thế cái cấu trúc văn hóa ổn định đó cụ thể là gì, thưa Giáo sư?
Trước hết anh phải nhìn lại anh là ai, anh có cái gì, để đứng một cách vững vàng trước thế giới này, và làm nên giá trị của riêng anh.
Thứ hai, không những anh đứng được, mà anh phải dùng nó như một thứ nội lực thúc đẩy sự phát triển của cộng động người, và làm nên những giá trị được thế giới thừa nhận.
Chúng ta thích nói về những giá trị tốt đẹp, mà không biết cần phải nói về mặt trái để thay đổi mặt trái đó theo chiều hướng tích cực.
Cho nên, tôi cho rằng những giá trị lớn mà chúng ta cố công tuyên truyền, mà cứ nhấn mạnh mãi như thế, một ngày nào đó, giống như bộ xương không được nuôi dưỡng bằng các hệ sinh học thiết yếu như hệ hô hấp, tuần hoàn hay cả hệ bài tiết, nó khiến nhiều độc tố văn hóa tồn tại lưu cữu trong cơ thể một cộng đồng, làm ra ung nhọt văn hóa.
Cái gì tốt không hẳn cứ tốt mãi, “vô điều kiện”, cái xấu không vĩnh viễn chỉ có tác dụng xấu, điều này dễ hiểu từ góc độ triết học, nhưng khi vận dụng vào nghiên cứu thực tế thì người ta lại quên.
Chúng ta không chịu nghiên cứu tử tế, cẩn thận, sâu sắc để xem chúng ta có gì, thiếu gì và cần làm gì cho văn hóa.
- Chúng ta vẫn nhắc đến truyền thống chống giặc ngoại xâm. Truyền thống ấy có phải là bản sắc, là giá trị của riêng chúng ta không, thưa ông? Tại sao không thử một lần đặt ra câu hỏi, anh tồn tại thế nào mà luôn bị ngoại xâm đe dọa?
Người ta nói niềm tự hào của dân tộc ta là truyền thống 4000 năm chống ngoại xâm trong suốt 4000 năm lịch sử. Tại sao không thử một lần đặt ra câu hỏi, anh tồn tại thế nào mà luôn bị ngoại xâm đe dọa?
Ăngghen nói trong các chế độ xã hội có giai cấp, yếu thì bị xâm lược, yếu nữa bị phụ thuộc, yếu nữa bị đồng hóa và giải thể cái tồn tại đó.
Khi sự tồn tại luôn chơi vơi và yếu, anh phải xem lại cách thế tồn tại của anh chứ. Phải nhớ một nguyên tắc căn cốt, rằng sự mạnh hay yếu, đằng sau nó là sự bảo lãnh văn hóa khủng khiếp.
Những di họa của một thế kỷ chiến tranh hay rộng hơn, một lịch sử đầy ắp chiến tranh còn kéo dài cho đến tận bây giờ và lâu nữa. Càng ý thức sớm về nó càng khắc phục mặt trái của nó rõ ràng hơn, rành mạch hơn, có chiều sâu hơn. Trong mọi cuộc chiến tranh, tổn thất lớn nhất của cộng đồng là mất đi những lớp, những thành phần tinh hoa nhất của cộng đồng, của xã hội.
Bất kỳ một cộng đồng nào cũng có những yếu tố hợp thành tạo nên sắc thái văn hóa, trong đó có truyền thống, hiện đại, nội sinh, ngoại nhập, nhưng phải nhắc đi nhắc lại nếu muốn có cốt cách văn hóa, yếu tố nội sinh phải được đặt lên hàng đầu.
Anh nhìn xem nội sinh văn hóa Việt Nam có gì? Chúng ta nói về giá trị truyền thống, nhưng quay qua quay lại, lại về văn hóa làng xã, văn hóa nông thôn.
Văn hóa làng xã về cơ bản, đối với sự phát triển của xã hội hiện đại nó sẽ là sự kìm hãm. Văn hóa có những yếu tố cũ, nhưng càng cần phải có những cái tươi rói, mới tinh.
Có nhà lý luận văn hóa học đã đưa ra một định nghĩa: văn hóa là cái gì còn đọng lại sau khi những cái khác đã qua đi trong đời sống của một cá thể hay một cộng đồng. Trong ý nghĩa đó thì không phải mọi lớp văn hóa đều là “di sản”, đều là đáng quý.
Những "phim" sitcom bệnh hoạn được xây dựng bởi ekip bệnh hoạn, vô văn hóa
- Thế cho nên, trong quá trình mở cửa và hội nhập, sự tiếp nhận văn hóa đã dẫn đến sự lai căng méo mó?
Có vô số chuyện cần nói trên đường hướng này, chỉ lấy một ví dụ đời thường nhất, muôn thuở nhất. Đó yêu phải có văn hóa, nhưng văn hóa nào cho tình yêu Việt bây giờ, đó có phải là vấn đề không?
Một điều thiếu khủng khiếp ở Việt Nam là văn hóa tình dục, văn hóa sex. Việt Nam làm gì có văn hóa tình dục, tất cả ứng xử về phương diện dục tính con người Việt Nam đều không vượt qua phương diện ứng xử bản năng bao nhiêu.
Chính sự thiếu hụt trong việc giáo dục tình dục đó, khiến cho việc xây dựng những hình ảnh sex trong phim, trong nghệ thuật trở nên lệch lạc, méo mó.
Trước đây, có hội thảo nhằm cấm truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, các vị đưa ra một tiêu chuẩn là cái gì dâm thì cấm. Tôi mới hỏi các vị một câu dâm là gì? Các vị nói dâm là những cái gợi lên hành vi tính giao. Nhưng thật ra hiểu như vậy là nhầm, dâm xét theo nghĩa gốc, dâm nghĩa là “quá mức”, các nhà Trung Quốc học nổi tiếng đều hiểu “dâm” là démesure. Từ những hiểu sai sẽ dẫn đến chỉ đạo sai.
- Nhắc đến câu chuyện văn hóa gần gũi như cái váy, cái áo, như việc khoe thân, ảnh nude…tràn lan, ông nhận xét như thế nào về vấn nạn này?
Đó là loại hành vi vô văn hóa của những người khoác lên mình chiếc áo nghệ sỹ, của những người khoác lên mình chiếc áo người làm văn hóa.
Nhưng cũng phải nói thêm, hành vi vô văn hóa đó chỉ phục vụ, chỉ kêu gọi sự cộng hưởng từ bộ phận công chúng thiếu văn hóa.
- Khoan nói đến việc giáo dục công chúng vì nó sẽ là câu chuyện rất dài và cần lộ trình. Có cách nào để chặn đứng đà suy thoái, trong khi tình trạng đã ở mức báo động khẩn thiết?
Trước hết phải có những nhà văn hóa làm khuôn mẫu, đồng thời trước hết là những người cầm quyền, ứng xử một cách văn hóa đích thực, chắc chắn nền văn hóa sẽ thay đổi. Phải tạo ra cho bằng được những khuôn mẫu văn hóa của thời đại mới qua chính những mẫu người văn hóa.
Xin cảm ơn ông!
An Yên(thực hiện)
Bình luận