“Lúc đó, tôi đang chuẩn bị cho con ăn mà muốn xỉu luôn. Hồi nào tới giờ, tôi tin tưởng, nghĩ bà ấy tốt nên cứ gửi con ở đây. Thế mà bà lấy cái can đập đầu con tôi vậy đó”, chị Nguyễn Thanh Tuyến, 39 tuổi, quê An Giang, kể lại khoảnh khắc đau thấu tâm can khi xem clip giáo viên dùng can nhựa đánh liên tiếp vào đầu con trẻ.
Giọng người phụ nữ ấy vẫn chưa nguôi nỗi uất hận khi chứng kiến cảnh người mình tin tưởng giao con lại có thể đánh đập không thương tiếc những đứa bé vô tội.
Gần đó, chị Nguyễn Thị Hồng Ánh, 37 tuổi, đứng trước cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12, TP.HCM), đấm ngực tự trách bản thân tin nhầm người, khiến con bị hành hạ về thể xác và ám ảnh tinh thần.
Đau đớn, tức giận, ngày 27/11, chị Tuyến, chị Hồng Ánh cùng hàng chục phụ huynh khác bỏ dở công việc, tập trung trước "địa ngục" Mầm Xanh truy tìm bảo mẫu đã cầm cả dao đánh con họ.
Những vụ việc đau lòng
Với đồng lương bèo bọt, nhiều công nhân chọn gửi con tại cơ sở mầm non Mầm Xanh với học phí 1,2 triệu đồng/tháng. Họ đâu có ngờ đã giao con cho "ác mẫu".
“Thật đau lòng khi nhìn hình ảnh các cô liên tục dùng vật dụng như muôi, gáo nhựa, chai…, thậm chí dùng dao, uy hiếp học sinh”, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nói khi xem clip bạo hành trẻ.
Công tác lâu năm trong ngành giáo dục, chứng kiến và xử lý không biết bao nhiêu vụ bạo hành học sinh, bà Nghĩa nhận định đây là vụ bạo hành trẻ mầm non nghiêm trọng nhất trong nhà trường từ trước đến nay.
Trước đó, mới hồi tháng 3, dư luận hoang mang khi hình ảnh hai bảo mẫu ở quận Gò Vấp, TP.HCM, đánh đập, cho trẻ ăn một cách thô bạo.
Hồi tháng 2, nữ giáo viên trường mầm non Thuận Thành (Phổ Yên, Thái Nguyên) ném dép vào đầu học sinh. Cùng tháng, cô giáo trường mầm non Thanh Xuân Nam (Thanh Hóa) dùng đũa đánh tím đùi trẻ, còn hiệu trưởng một trường ở TP.HCM dốc ngược đầu, dọa ném một em qua cửa sổ.
Những thông tin cô giáo mầm non dùng dép đánh liên tiếp vào đầu, đạp gãy xương đùi "con" hay đổ sữa vào miệng em bé, ném trẻ mầm non như thú bông… liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội.
Dư luận đau lòng, phẫn nộ và cả lo sợ những vụ việc bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ở một nơi nào đó thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng hay tại góc khuất camera, những mầm non vô tội vẫn chịu sự tra tấn của các "ác mẫu".
Khi sự việc được đưa ra ánh sáng, giáo viên đánh trẻ bị đình chỉ hoặc buộc thôi việc, cơ sở trông giữ trẻ vi phạm bị giải thể. Nhưng tất cả chỉ giải quyết phần ngọn và là câu trả lời muộn màng với những nạn nhân và gia đình. Những vụ việc mới, đau lòng hơn, lại vẫn xuất hiện khiến người ta day dứt.
“Tôi thực sự rất đau lòng và phẫn nộ trước phẩm chất đạo đức của một số giáo viên mầm non xuống cấp nghiêm trọng. Cũng là phụ nữ, lẽ ra họ phải yêu thương trẻ như con mình. Nhưng họ lại hành hạ các em ở độ tuổi non nớt một cách dã man”, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ thường trực Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, từng bức xúc nói như vậy.
Video: Cơ sở mầm non Mầm Xanh đày đoạ trẻ dã man bị xử lý thế nào?
Người bảo hộ ở đâu khi trẻ bị đánh đập?
Không chỉ tại trường mầm non, trẻ em đang đối mặt nguy cơ bị bạo hành ngay tại chính gia đình mình. Trong một tuần, dư luận rúng động bởi những vụ hành hạ tàn bạo, từ chuyện bảo mẫu ở Hà Nam tung em bé hơn một tháng tuổi đến bé gái ở Kiên Giang bị người thân dùng sắt nóng ấn vào mặt và tay.
Luật Trẻ em 2016 quy định 15 cơ quan, có trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng đáng tiếc là các vụ việc buồn cứ tiếp diễn tháng này qua năm khác. Nhiều người có cái nhìn tiêu cực nhận định an toàn của trẻ tại trường phụ thuộc hoàn toàn lương tâm, trách nhiệm của giáo viên. Đáng tiếc, ở nhiều trường hợp, lương tâm không bằng... "lương tháng".
"Có lẽ, bạo hành học sinh đã trở thành 'phong cách giáo dục' của bộ phận giáo viên mầm non suốt nhiều năm liền, khi họ thấy đồng nghiệp đánh trẻ mà không bị trừng trị, răn đe nên làm theo", TS Vũ Thu Hương - khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - nêu quan điểm.
Nữ tiến sĩ kể chính bà từng bị cô giáo dùng chổi tre để vệ sinh cá nhân và bị đánh đến mức phải nhập viện điều trị. "Một lần tè dầm và bố mẹ tới đón muộn, tôi bị cô giáo cho đứng ngoài cửa lớp suốt 2 tiếng. Nhìn quãng đường tối tăm, chỉ có xe cộ đi lại, tôi òa khóc", bà Hương kể lại.
Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học cho rằng tại các nhóm trông giữ trẻ với chi phí thấp, việc giáo viên đánh trẻ dễ xảy ra. Có những cô giáo còn lớn tiếng nói: “Bố mẹ cháu làm công nhân, còn đánh con bùm bụp, vì vậy cô giáo có đánh hay không cũng không quan trọng”.
Nhận thức yếu kém đó cùng với việc buông lỏng quản lý, dù có đến 15 cơ quan bảo hộ trẻ em, tình trạng bạo hành vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Để rồi, không ít người đau xót thốt lên câu hỏi người bảo hộ ở đâu khi các em bị đánh đập tàn nhẫn? Sao con tôi bị bạo hành dã man mãi vậy? Những tâm hồn thơ ngây ấy sẽ ra sao khi hành động dã man của những cô giáo không như mẹ hiền hằn sâu trong ký ức?
“Chúng tôi muốn những người từng gây ra tội ác cho con mình phải đền tội. Không thể để họ ung dung ngoài vòng pháp luật rồi lại gây hại cho bao nhiêu con người khác. Những cú đánh, đấm, đá của họ như những nhát dao đâm xuyên vào tim chúng tôi. Cần phải trừng trị thật nghiêm khắc”, ông Tuấn, 57 tuổi, nhấn mạnh khi nói về việc bảo mẫu lớp mầm non Mầm Xanh bạo hành trẻ.
Cần tăng hình phạt với tội hành hạ trẻ em
Luật sư Lại Văn Doãn, Đoàn Luật sư Hà Nội, thông tin tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, hành vi hành hạ trẻ em có thể bị phạt đến 3 năm tù giam.
Trường hợp gây thương tích cho người bị hành hạ mà đủ yếu tố cấu thành tội, người thực hiện hành vi còn phải chịu trách nhiệm hình sự về cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, được quy định tại Điều 104, Bộ luật Hình sự.
Luật sư này cho rằng ông "thấy rùng mình, sởn gai ốc" trước sự tha hóa đạo đức của một số người trong xã hội.
“Những mầm non tương lai của đất nước phải chịu bạo hành đến bao giờ và hậu họa khi những đứa trẻ mang trong mình vết thương từ nhỏ sẽ ảnh hưởng, tác động tới xã hội ra sao khi chúng trưởng thành?”, ông Doãn đặt câu hỏi.
Theo ông, nguyên nhân thực sự nằm ở yếu kém của cơ quan chức năng khi để những người không có nghiệp vụ sư phạm làm bảo mẫu, giáo viên. Nhận thức pháp luật kém cũng gián tiếp gây ra những vụ việc đau lòng.
Để hạn chế những chuyện thương tâm, ông Doãn đề xuất thắt chặt quản lý các cơ sở hành nghề trông giữ trẻ bằng cách tăng cường thanh, kiểm tra hậu cấp phép đối với các cơ sở mầm non. Cần thêm điều kiện cấp phép là phải có hệ thống camera giám sát, kết nối các phương tiện cá nhân của phụ huynh khi được yêu cầu.
Cùng với mở thêm trường mầm non công lập (biện pháp phát triển bền vững), cần gắn trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Không thể nói chính quyền địa phương vô can khi bạo hành trẻ diễn ra trong cơ sở trông giữ trẻ đóng trên địa bàn.
Luật sư cũng đề xuất tăng nặng hình phạt đối với loại tội này. Hành hạ trẻ em là hành vi có tác động rất nặng nề cho xã hội, ảnh hưởng nhân cách của các em và có thể làm lệch lạc quan điểm sống khi trưởng thành.
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từ 1-14 tuổi được báo cáo từng bị cha mẹ hoặc người chăm sóc bạo hành ở nhà. 20% trẻ em 8 tuổi bị trừng phạt thân thể ở trường. Từ năm 2011-2015, 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được báo cáo.
Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy trung bình mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở mức nghiêm trọng, cần được hỗ trợ, can thiệp.
Theo khảo sát của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới với học sinh tại hai tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang, 44% trẻ em bị bạo lực, trong đó 23% bị đánh, tát, đòn roi.
Báo cáo về can thiệp, hỗ trợ theo đường dây nóng phản ánh về bạo lực trẻ em, cứ 10 ca bạo lực, 6 ca là bạo lực thân thể. Trong đó, 4 ca bạo lực gia đình, 2 ca bạo lực học đường.
Bình luận