• Zalo

Sáng và trưa nay, Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới, TP.HCM đứng thứ 6

Sức khỏeThứ Năm, 26/09/2019 14:05:00 +07:00Google News

Khói bụi từ các phương tiện tham gia giao thông cùng với khí thải do đốt rơm rạ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ khiến Hà Nội và TP.HCM bị ô nhiễm nặng.

Theo số liệu từ Air Visual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu thời điểm 11h38 trưa 26/9, Hà Nội đứng đầu về chỉ số AQI là 182, trên cả Hàng Châu, Trung Quốc (AQI là 160) và thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI là 155).  Trang Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ. 

Cụ thể hơn, tại Hà Nội, lần lượt các khu vực đều cho chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, như đường Tô Ngọc Vân – Tây Hồ (182), Bắc Từ Liêm (175), Thành Công (174), khu vực Hàng Đậu (174), Láng Hạ (179), Tây Mỗ (163)…

Lúc 8h50 sáng 26/9, chỉ số AQI ở Hà Nội cũng vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204.

Top 10 thành phố ô nhiễm nhất hôm nay cũng có sự góp mặt của TP.HCM với AQI là 144. Tại một số điểm Tô Hiến Thành, Trần Trọng Kim, nút giao Hai Bà Trưng – Lê Duẩn của phường DaKao và khu vực Võ Trường Toản chỉ số AQI là 156, 160, 167 và 171…

Tại các tỉnh khác, một số khu vực như Đại học Phú Xuân (Thừa Thiên Huế), Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định chỉ số chất lượng ở mức Kém.

cats

 Bảng đo chỉ số chất lượng không khí của Airvisua cho thấy Hà Nội đứng đầu về ô nhiễm, TP.HCM đang xếp thứ 6. (Ảnh: Airvisual)

Theo quy chuẩn của hệ thống đo chất lượng không khí tại Việt Nam, chỉ số AQI ở mức 0 - 100 (xanh và vàng) là ngưỡng tốt và trung bình; từ 101 - 200 (da cam) mức kém; 201 – 300 là mức xấu và trên 300 là nguy hại.

Như vậy, với bảng đo được của Airvisual, hầu hết các khu vực ô nhiễm không khí của Việt Nam ở ngưỡng kém, khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mạn tính cần thở nhiều nên hạn chế ở ngoài.

Nguyên nhân không khí ô nhiễm

Về nguyên nhân, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận định, ô nhiễm không khí là do hoạt động khí tượng dẫn đến hình thành lớp nghịch nhiệt làm cho không khí ô nhiễm nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan. 

Trong khi đó tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, GS.TS Hoàng Xuân Cơ - làm việc tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, ngoài khí thải từ các phương tiện giao thông, máy móc xây dựng như: ô tô, xe bus, xe máy…

Ở các tỉnh khác, do đang vào mùa lá khô, khắp nơi rơm rạ, rác thải đều gom và đốt cùng nhau khiến lượng khí thải ra môi trường lớn hơn bình thường. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao chỉ số chất lượng không khí AQI đo được ở các khu vực trên cao đột biến.

Theo báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đặc biệt, tại nước ta, đốt rơm rạ theo mùa còn gây ra hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

nguoi-dan-tphcm-can-lam-gi-khi-khong-khi-bi-o-nhiem-071400

Không khí ô nhiễm trầm trọng tại 2 thành phố lớn, Hà Nội và TP.HCM. 

Bụi mịn “xuyên thủng” khẩu trang

Ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Theo TS Đỗ Mạnh Cường - Phó Trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), bụi mịn PM2.5 là loại bụi “siêu nhỏ” có khả năng len lỏi vào sâu trong phổi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe mọi người. Đây cũng là nguyên nhân gây ra vô số các bệnh về đường hô hấp, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính về hô hấp, phổi, hen suyễn hay người già và trẻ nhỏ.

Không chỉ có vậy, người bình thường khi hít phải loại bụi này trong thời gian dài có thể gây suy giảm chức năng phổi, huyết áp cao, rối loạn chức năng gan, ảnh hướng tới hệ thần kinh và là nguyên nhân khiến tỷ lệ nhập viện và thiệt mạng do ung thư phổi hay bệnh tim tăng.

Chung quan điểm, theo BS CKII Nguyễn Ngọc Hồng – Trưởng khoa Bệnh Phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi nhỏ, li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn so với sợi tóc con người tới 30 lần).

Bụi mịn PM2.5 hình thành từ các chất như: cacbon, sunphua, nito, và nhiều hợp chất kim loại nguy hiểm khác lơ lửng trong không khí có khả năng “len lỏi” sâu vào trong phổi, đi trực tiếp vào máu và các phế nang gây độc cho cơ thể con người. Đây là nguyên nhân của phần lớn các bệnh lý về hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn hay ung thư.

2 4

 Người dân ra đường cần trang bị mũ áo và đeo khẩu trang để hạn chế ô nhiễm. (Ảnh: VnExpress)

Nguy hiểm hơn, BS Hồng cho biết, do có kích thước siêu nhỏ, nên những hạt bụi mịn có thể đi xuyên qua các loại khẩu trang thông thường, theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể.

“Con người nếu hít những loại bụi này trong thời gian dài có thể gây sổ mũi, hắt hơi, khó thở, ho kéo dài, thậm chí về lâu về dài còn gây rối loạn đường thở.

Với các bệnh nhân có tiền sử bị bệnh hô hấp mãn tính hay tim mạch thì tình trạng có thể trầm trọng hơn. Bởi vậy, họ được khuyên không nên ra ngoài trong thời điểm không khí đang ở mức nguy hại”, bác sĩ Hồng nói.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn