(VTC News) - Sáng 22/5, vụ việc y tá tiêm nhầm thuốc có độc tố làm 3 trẻ sơ sinh chết sẽ được làm sáng tỏ.
Dự kiến sáng 22/5, Công an tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức họp thông báo kết quả quá trình điều tra vụ việc y tá Nguyễn Thị Thuận tiêm nhầm thuốc có độc khiến 3 trẻ sơ sinh tử vong.
Công an tỉnh Quảng Trị đã thực hiện lệnh bắt đối với bà Nguyễn Thị Thuận, nhân viên Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Một trong 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi bị tiêm nhầm thuốc.
Bà Thuận là người trực tiếp khám, tiêm cho 3 trẻ sơ sinh dẫn đến tử vong vào ngày 20/7/2013. Y tá này bị bắt giữ để điều tra, làm rõ hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Y tá nhìn lọ thuốc đó giống lọ vắc xin viêm gan B nên bị nhầm. Hơn nữa, bản thân y tá đó đã không làm đúng quy trình tiêm chủng”.
Y tá Nguyễn Thị Thuận được cơ quan điều tra đưa trở lại BVĐK Hướng Hóa, Quảng Trị. Tại đây, y tá Thuận đã chỉ ra nơi đã giấu 3 vỏ lọ thuốc do chính mình tiêm cho 3 trẻ sơ sinh và gây tử vong cho cả 3 trẻ.
Thuốc được tiêm nhầm là Esmeron – một loại thuốc gây mê có chức năng hỗ trợ gây mê toàn thân để đặt nội khí quản, giúp giãn cơ trong phẫu thuật.
Trước đó, ngày 19/7/2013, bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tiếp nhận ba sản phụ đến sinh các cháu nặng từ 2,8-3,4kg.
3 thai phụ gồm Nguyễn Thị Nga (thị trấn Lao Bảo), Trần Thị Hà (thị trấn Khe Sanh), Hồ Thị Du. Sau khi sinh, 3 sản phụ và trẻ sơ sinh đều khỏe mạnh, các cháu bú mẹ tốt.
Đến 8 giờ sáng ngày 20/7/2013, các y, bác sỹ bệnh viện đã tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm gan B thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sau khi tiêm 30 phút các cháu có biểu hiện tím tái, khó thở, các bác sỹ đã cấp cứu nhưng các cháu đã không qua khỏi. Đoàn công tác của Bộ Y tế kết luận ban đầu các cháu tử vong do sốc phản vệ không rõ nguyên nhân.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Đây là bài học đau xót của ngành y tế. Cán bộ tiêm chủng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Ông Phu cho rằng, người cán bộ y tế trước tiên phải ý thức được trách nhiệm với nghề nghiệp với bản thân. Đặc biệt, với ngành y thì rất quan trọng vì để xảy ra tai biến rất nguy hiểm.
“Cán bộ y tế phải rút kinh nghiệm, thực hiện đúng những kỹ thuật đã quy định, nếu kiểm tra vắc xin thì dù bỏ lẫn thuốc sẽ vẫn phát hiện ra” – ông Phu nói.
Theo ông Phu, cán bộ y tế phải có hiểu biết để thực hiện cho đúng. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng là phải cận thận, đặc biệt là công việc liên quan trực tiếp đến bệnh nhân.
» Đau xót chuyện những đứa trẻ bị tiêm nhầm ‘thuốc độc’
» 3 trẻ sơ sinh tử vong: Y tá giấu nhẹm sự thật
» Ba bé sơ sinh chết sau khi tiêm vắc-xin: Bắt y tá
» Đà Nẵng dừng tiêm lô vắcxin làm 3 trẻ tử vong
» Ba trẻ chết sau tiêm vắc xin viêm gan B, tại sao?
» Thêm 3 trẻ cấp cứu sau tiêm vắc- xin ‘5 trong 1’
Nam Anh
Bình luận