Có thể nói, sau một thời gian được cho là trầm lắng, giờ đây đời sống âm nhạc Việt Nam lại được chứng kiến sự trở lại của nhạc đỏ với một diện mạo mới, phong cách mới, mang hơi thở và nhịp điệu của cuộc sống đương đại.
Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS Đỗ Xuân Tùng, nhạc sĩ, nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng phòng đào tạo Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đã có những chia sẻ thẳng thắn và thú vị về vấn đề này.
Video: Khán giả choáng ngợp với màn trình diễn nhạc đỏ của "sao nhí"
Cần hiểu khái niệm nhạc đỏ rộng hơn
- Thưa nhạc sĩ, trong thời gian qua, bên cạnh các ca khúc mang phong cách sôi động của nhạc Rock, Rap, Pop… thì nhiều ca sĩ trẻ vẫn lựa chọn các ca khúc nhạc đỏ để trình bày và vẫn dành được sự yêu mến của nhiều người. Là người nghiên cứu âm nhạc, ông có nhận xét gì về hiện tượng trên?
Nhạc đỏ chủ yếu là nhạc có nội dung đề cập đến những đề tài có lớn. Nhạc đỏ trước đây, kể cả thế giới, người ta có quan niệm rằng nhạc đỏ là ca ngợi những vấn đề lớn, mang tính tổng quát như: tình yêu đất nước, quê hương…
Trên thế giới, ngay ở Châu Âu, từ thế kỷ 16 – 17 người ta đã trải qua giai đoạn này rồi. Người ta đi vào giá trị nhân văn của con người nói chung chứ không đi vào cá tính, cảm xúc cụ thể của từng con người.
Tuy nhiên, nhiều nhà lý luận âm nhạc hiện nay không hay đi phân tích những cái ấy. Nhạc đỏ không phải cứ chung chung theo lối hiểu hiện nay là phải “bôn-sê-vích”, phải nói về Đảng mới là nhạc đỏ. Mà nhạc đỏ còn có phạm trù rộng lớn hơn rất nhiều, tức là cảm xúc chung, ý thức chung, phản ánh những tình cảm của cả một cộng đồng, một dân tộc.
Nhạc đỏ một mặt đã hạn chế (hoặc xóa mờ) đi tình cảm cá nhân, nhưng mặt khác lại đề cao những tình yêu lớn. Những tình yêu lớn đó là tình yêu đất nước, quê hương, dân tộc, tình yêu đồng loại, chứ không phải là tình yêu riêng rẽ như chủ nghĩa lãng mạn vốn đề cao cá nhân con người.
Trước khi nó về sự trở lại của các ca khúc nhạc đỏ trong đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay thì có hai vấn đề cần phải làm rõ đối với bất kì một ca khúc nào đó là nội dung đề tài và giá trị âm nhạc. Thường thì người ta hay lồng đề tài và giá trị âm nhạc vào làm một. Nhiều khi vì lồng vào như vậy nên không phân biệt và hiểu đúng nghĩa vấn đề.
Các ca khúc nhạc đỏ cũng không ngoại lệ. Sự trở lại của các ca khúc nhạc đỏ phải được tách bạch, bởi giá trị nghệ thuật của nó đã được tồn tại, khẳng định.
Đề tài của nhạc đỏ có thể là cũ (nói về chiến tranh, về người lính, về Tổ quốc…), có thể có người thích hoặc không thích nghe. Nhưng nhạc đỏ tồn tại và được nhiều người thích bởi nó phản ánh giá trị âm nhạc, nghệ thuật của nó chứ không đơn thuần là nội dung đề tài.
Ví dụ như bây giờ ca sĩ hát bài “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng thì gần đây đang xuất hiện một số ý kiến, một số bài báo viết rằng bây giờ làm gì còn chiến tranh, còn chiến khu nữa đâu mà hát những bài ấy, bài hát đã lỗi thời rồi… Hiểu vậy là sai. Vấn đề là phải tách bạch. Giá trị của ca khúc ấy không phải là ở tên đề tài, không hẳn là nội dung, mà nằm ở giá trị nghệ thuật của nó.
Tách bạch ra như vậy thì mới trả lời được câu hỏi rằng tại sao nhiều người, trong đó có nhiều người trẻ vẫn nghe nhạc đỏ, chứ không phải chỉ “các cụ” mới nghe. Nếu chịu khó đi thực tế, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng thì sẽ thấy nhạc đỏ thâm nhập rất sâu vào đời sống chứ không phải chỉ dành cho các ngày lễ hội, các ngày kỷ niệm.
Nói chỉ người già mới nghe nhạc đỏ là không đúng, nhiều người trẻ vẫn thích nghe. Nhiều khi chúng ta vẫn nhìn nhận thiên lệch một chiều, coi nhạc đỏ là nhạc “cúng cụ”, nhạc dành cho lễ hội. Đấy là chưa đúng.
Nên theo tôi là phải tách bạch giữa vấn đề đề tài ca khúc với giá trị nghệ thuật của ca khúc. Nhạc đỏ tồn tại và được yêu thích, hay như bạn nói là hiện tượng trở lại của nhạc đỏ hiện nay, chính là nhờ giá trị nghệ thuật của nó. Giá trị nghệ thuật mới là cái quan trọng.
Sau 1975: Âm nhạc Bắc – Nam gặp nhau ở “nhạc đỏ”
- Giá trị nghệ thuật của các ca khúc nhạc đỏ được thể hiện trên những bình diện nào, thưa ông?
Gốc rễ giá trị nghệ thuật của nhạc đỏ trước hết là ở sự kế thừa. Những nhạc sĩ sáng tác nhạc đỏ ngày xưa đã khai thác được những cái tinh túy của nhạc dân gian, của tâm hồn người Việt. Mặc dù đề tài phục vụ cách mạng (thực ra đề tài cũng có thể phục vụ việc khác), tình yêu quê hương, đất nước, nam nữ… nhưng quan trọng nhất là nó phản ánh, chứa đựng được tâm hồn Việt ở trong ca khúc.
Tôi lấy ví dụ như năm 1975, khi miền Nam giải phóng, rất nhiều người miền Nam họ rất thích những bài hát như “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây” của Hoàng Hiệp, phổ thơ Phạm Tiến Duật. Hay “Bài ca hi vọng” của nhạc sĩ Văn Ký, cũng được rất nhiều người Sài Gòn khi đó yêu thích. Mà họ thích thực sự, chứ không phải là “định hướng” này kia đâu, dù đó là nhạc đỏ rõ ràng.
Tôi từng ở Sài Gòn ngay sau ngày giải phóng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy thanh niên, sinh viên rồi các tầng lớp trẻ ở Sài Gòn khi ấy suốt ngày họ hát bài “Trường Sơn đông, Trường Sơn Tây” và “Bài ca hy vọng”. Đặc biệt là “Bài ca hy vọng”, đây là bài hát có giá trị trước cả những năm 1975.
Nhiều người Sài Gòn khi đó còn nói với tôi rằng không ngờ miền Bắc lại có những bài hay như vậy. Bởi vì người ta tìm được sự đồng cảm trong đấy. Đó là giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm.
- Phải chăng sau khi thống nhất đất nước năm 1975, âm nhạc hai miền Bắc – Nam đã gặp nhau ở cùng điểm chung là “nhạc đỏ”?
Hiện tượng âm nhạc sau năm 1975 là một hiện tượng rất đặc biệt. Đó là một số ca khúc nhạc đỏ miền Bắc “thâm nhập” vào miền Nam, cũng như ngược lại, một số ca khúc của miền Nam cũng “quay ngược” ra miền Bắc với các giọng ca của ca sĩ Thanh Lan, Khánh Ly…
Âm nhạc miền Bắc thâm nhập vào miền Nam thông qua những bài hát nhạc đỏ. Mặc dù là nhạc đỏ nhưng nó vẫn mang nội dung chung đó là tình yêu đất nước, quê hương, và đặc biệt là nó mang giá trị nghệ thuật, mà ngay cả giới nhạc sĩ, nghệ thuật trong nam khi ấy cũng phải công nhận đó là những bài hát rất tuyệt vời.
Việc trở lại của nhạc đỏ đã khẳng định và phản ánh đúng giá trị nghệ thuật của nó.
Nhạc đỏ đang biến đổi
- Cũng có ý kiến từ những người được xem là “khó tính” cho rằng sự trở lại của nhạc đỏ bây giờ không còn được như xưa. Cụ thể là sự thể hiện các ca khúc nhạc đỏ của các ca sĩ trẻ bây giờ không được “chuẩn – chỉnh” như các ca sĩ ngày trước. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không cho là như vậy. Thẩm mỹ của con người luôn thay đổi. Ví dụ như bây giờ có người bảo nghe nhạc đỏ do ca sĩ Trọng Tấn hát là không hay, hay như tiết tấu hóa, “pop hóa” nhạc đỏ là sai lầm, thì đó là những nhận xét chưa thật sự chính xác.
Trong âm nhạc, thay đổi cách trình diễn là xu thế của thời đại. Cho nên không nên đặt nặng quá chuyện thay đổi, hay đúng hơn là cách tân ấy. Không nên cứng nhắc chuyện này, rằng cứ lặp lại hát như ngày xưa là hay, thực ra cũng không phải đâu.
Ngay như tôi là người nghiên cứu âm nhạc, khi nghe lại những bài hát do NSND Lê Dung trình bày và các ca sĩ trẻ bây giờ trình bày, tôi vẫn thấy mỗi người có điểm mạnh riêng, cái hay riêng của mình khi thể hiện ca khúc.
Người ta thường bảo NSND Lê Dung là “ngọn cờ đầu”, là “ngôi sao” của nhạc đỏ. Đúng, đó là điều không thể phủ nhận. Quả thực là Lê Dung có nhiều bài rất hay. Nhưng không thể nói những bài hát đó, ngoài Lê Dung ra, những người khác hát là không hay. Người khác hát vẫn hay chứ.
Ví dụ như những bài kinh điển như là “Bài ca hy vọng” của nhạc sĩ Văn Ký, trước kia có nghệ sĩ Tân Nhân hát, sau này hàng loạt các ca sĩ hát. Gần đây nhất có cô Phương Nga hát. Tôi nghĩ họ đều thành công. Mới đây nhất, trong buổi gặp gỡ cuối năm của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một cô khác tên là cô Bích Ngọc, còn rất trẻ đã lên hát bài này, mình nghe cũng rất hay.
- Có nghĩa sự biến đổi kia là tất yếu?
Đúng thế. Cũng một ca khúc nhạc đỏ đấy, nhưng người ca sĩ khi thể hiện có thể trình bày với cảm xúc, cách lĩnh hội nhạc phẩm và lối trình diễn riêng của người ta. Cái cảm nhận ấy, nói chung về thẩm mỹ, là thường xuyên biến đổi.
Nhưng nếu biến đổi chậm có thể tốt, chứ biến đổi nhanh chưa chắc đã tốt. Cho nên việc có những ý kiến cho rằng hãy cứ hát nhạc đỏ như ngày xưa hay là hát như bây giờ là “hỏng” bài hát đi, theo mình không nên cứng nhắc như vậy.
Nhạc đỏ vẫn phải nên biến đổi để phù hợp với tâm lý, thẩm mỹ của thính giả bây giờ, trong đó đặc biệt là thanh niên. Về đặc điểm cảm nhận âm nhạc của giới trẻ thì những nhà nghiên cứu âm nhạc trên thế giới đã tổng kết rồi, một là tiết tấu phải nhanh hơn, hai là phải sôi động hơn, ba là, “màu sắc” hay cách thể hiện phải luôn luôn được biến đổi.
Đây là ba tổng kết về thẩm mỹ âm nhạc mà người ta đã rút ra. Châu Âu cũng chịu sự tác động này. Khán thính giả của họ hiện nay cũng vậy.
Ví dụ nhạc cổ điển ngày xưa, đánh 1 giây bằng 60 phách, nhưng bây giờ thanh niên không nghe 1 giây bằng 60 phách nữa, mà họ nghe 1 giây bằng 70 phách. Có nghĩa là tiết tấu phải nhanh hơn. Thẩm mĩ và cách cảm thụ âm nhạc có sự biến đổi theo thời đại. Không thể cưỡng được. Đó là quy luật.
Sáng tác nhạc đỏ hiện nay chưa đi kịp thời đại
- Bên cạnh các ca khúc nhạc đỏ đã ra đời cách đay nhiều thập niên, hiện nay nhiều nhạc sĩ cũng đã và đang sáng tác các ca khúc mới. Ông đánh giá thế nào về các sáng tác hiện nay?
Nhìn chung, sáng tác nhạc đỏ của ta hiện nay chưa đạt yêu cầu và cũng chưa đạt được tầm. Hầu như sáng tác chưa đạt được đến cái tầm là phải đồng cảm với vận mệnh đất nước, dân tộc. Các bài hát vẫn mang nhiều cảm xúc cá nhân của người sáng tác, cảm xúc cá nhân ấy để đồng cảm với cảm xúc chung, vận mệnh chung là rất khó.
Người nhạc sĩ viết về xúc cảm cá nhân của anh thì rất dễ, nào là mất mát, đau thương, đổ vỡ trong tình yêu… nhưng viết được cái đồng cảm, cái chung thì không phải là dễ.
Mà cái “đồng cảm” ấy không phải chỉ riêng nước mình thôi đâu, phương Tây cũng vậy, người nhạc sĩ đạt được sự đồng cảm cực kì khó.
Ngay cả những bài hát được xem là “hô khẩu hiệu” bây giờ, nếu không có giá trị nghệ thuật thực sự thì dù nhạc sĩ có viết về nội dung mang “tính thời sự nóng” đến mấy, ví dụ như nội dung về biển đảo chẳng hạn, thì người ta cũng rất ít người hát và biết đến.
Chẳng hạn như rất nhiều nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều ca khúc về đề tài biển đảo quê hương, nhưng rồi chỉ có bài “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song là gây được ấn tượng cảm xúc mạnh mẽ và có sức sống bền bỉ nhất trong lòng người nghe.
Cũng nhiều người viết nhạc đỏ lắm, nhưng có phải cứ viết là người ta hát đâu.
Tựu chung lại, ta phải tìm cái cốt lõi của vấn đề là tại sao người ta yêu thích nhạc đỏ. Đề tài là cần nhưng theo tôi không quan trọng. Những đề tài về đất nước, quê hương là vĩnh cửu. Trong sáng tác âm nhạc trên thế giới người ta không bao giờ “bỏ quên” những đề tài ấy. Kể cả các hình thức nhạc Pop, Rock, Rap…
Hay tôi lấy ví dụ như ca khúc “Bonjour Vietnam”. Nguyên thủy là một bài hát tiếng Pháp, sáng tác bởi Marc Lavoine, sau dịch ra tiếng Việt, tên bài hát có nghĩa là “Xin chào Việt Nam”. Đây là một ca khúc rất hay. Nội dung bài hát nói về tình cảm của một Việt kiều sinh ra xa quê hương dành cho đất nước Việt Nam. Thực chất đấy chính là một bài hát nhạc đỏ. Bởi nó đã ít nhiều đạt được sự đồng cảm, hướng đến “cái chung” là cảm xúc của nhiều người.
Phải hiểu nhạc đỏ ở một khái niệm rộng hơn, chứ không thể bó hẹp trong một không gian cụ thể nào đó. Đó là sai lầm của một số nhà nghiên cứu, lý luận phê bình hoặc ngay cả báo chí hiện nay. Họ đang bị hiểu nhầm.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Bình luận