Điểm đến của Cao Văn Triền và Trần Danh Trung, CLB Ryukyu, là tên tuổi mới trong làng bóng đá Nhật Bản. CLB đặt trụ sở ở Okinawa, được thành lập vào năm 2003, sau khi những cầu thủ chủ chốt của Okinawa Kariyushi mâu thuẫn với đội ngũ quản lý và quyết định tách ra để thành lập CLB mới.
Sinh sau đẻ muộn, nhưng Ryukyu thăng tiến nhanh chóng để trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử Okinawa thi đấu tại hệ thống bóng đá cấp quốc gia của Nhật Bản. Tuy nhiên, phải tới năm 2014, Ryukyu mới được thi đấu tại J.League 3 (tương đương giải hạng Ba), sau khi bị từ chối đơn trở thành CLB chuyên nghiệp trong nhiều năm trước đó.
Từ đó tới nay, Ryukyu duy trì việc thi đấu ở các giải đấu hạng dưới. Đội bóng này thăng hạng năm 2018. Mùa trước, Ryukyu đứng thứ 16 trên tổng 22 đội tại J.League 2.
Vị trí trên bảng xếp hạng phản ánh đúng thực lực của đội bóng này. Ryukyu có tổng giá trị đội hình (không tính Văn Triền và Danh Trung) ở mức 6,93 triệu bảng, đứng thứ 12 trên tổng 22 đội tại J.Leauge 2. Trong 2 kỳ chuyển nhượng gần nhất, Ryukyu không chi tiền để thực hiện bất kỳ hợp đồng mua cầu thủ nào.
Họ mang về gần 30 cầu thủ trong 2 năm qua đều theo dạng chuyển nhượng tự do và cho mượn. Mùa này, Rykyu mang về 12 cầu thủ, nếu tính cả Văn Triền và Danh Trung, ở đủ mọi vị trí mà không mất phí chuyển nhượng.
Ở chiều ngược lại, Ryukyu cũng chia tay 7 cầu thủ, trong đó có tên tuổi lẫy lừng một thời là Shinji Ono. Mùa trước, ở tuổi 41, Ono đá 116 phút sau 14 trận cho Rykyu. Đội bóng này dành phần lớn thời gian thi đấu cho những cầu thủ đang vào độ chín của sự nghiệp (từ 26-31). Nhìn chung, đây là CLB không thuộc "sân sau" của đội bóng lớn nào. Tiềm lực của đội bóng chỉ đến vậy, và họ cũng không đặt mục tiêu thăng hạng.
Văn Triền và Danh Trung sẽ cạnh tranh vị trí như thế nào tại Ryukyu? Đây là câu chuyện còn cần thời gian để nhận xét. Tuy nhiên, nếu xét về vị trí, cả hai đều sẽ cần cạnh tranh với những cầu thủ Ryukyu sẵn có trong sơ đồ 4-2-3-1.
Ở vị trí tiền vệ trung tâm của Cao Văn Triền, Ryukyu dành một suất đá chính cho Kazumasa Uesato. Cầu thủ 33 tuổi này thi đấu trọn vẹn 42 trận trong mùa trước cho đội bóng Nhật Bản. Người thường được xếp đá cặp với Uesato là Koki Kazama, 28 tuổi, đá 31 trận ở mùa trước. Nhiều khả năng đây là nhân tố cạnh tranh trực tiếp vị trí với Cao Văn Triền, cùng tân binh Mizuki Ichimaru từ Gamba Osaka, và một vài cầu thủ trẻ khác trong đội hình.
Vị trí của Danh Trung phức tạp hơn đôi chút. Tiền vệ của U22 Việt Nam thuận chân phải và có thể đá tốt ở cả hai vị trí bám biên. Người đá chính ở vị trí tiền vệ phải của đội bóng này là Koya Kazama, 26 tuổi và ghi 10 bàn trong cả mùa trước sau khi đá đủ 42 trận tại J.League 2. Cạnh tranh vị trí với cầu thủ này là câu chuyện không đơn giản.
Ở vị trí tiền vệ trái, Ryukyu có Shuto Kawai, 25 tuổi, đá 35 trận mùa trước và ghi 5 bàn. Danh Trung là cầu thủ chạy biên duy nhất Ryukyu chiêu mộ trong kỳ chuyển nhượng này và nhiều khả năng tiền vệ của U22 Việt Nam đóng vai dự bị cho Kazama hoặc Kawai.
Mục đích sang Ryukyu của Văn Triền và Danh Trung vẫn còn là dấu hỏi khi đội bóng này đã liên kết với Chonburi để đưa một cầu thủ Thái Lan sang đây từ trước. Song việc Ryukyu thay đổi nhân sự liên tục trong mỗi mùa giải là yếu tố thích hợp để hai cầu thủ Việt Nam có cơ hội.
Mùa trước, Ryukyu không sử dụng 4 cầu thủ trong danh sách đăng ký với ban tổ chức J.League 2. Hai trong số đó là thủ môn, còn lại là những cầu thủ rất trẻ (14 và 16 tuổi). Viễn cảnh sang Nhật Bản dự bị cả mùa và thi đấu nhỏ giọt vì vậy khó xảy ra với Văn Triền và Danh Trung. Cả hai nhiều khả năng được thi đấu. Còn chuyện đá chính hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực của chính cả hai.
Bình luận