• Zalo

Sáng nay, Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi

Chính trịThứ Năm, 18/01/2024 06:53:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 18/1, đại biểu Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sáng 18/1, Quốc hội khoá XV họp phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Theo chương trình dự kiến, tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Sáng nay, Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu)

Sáng nay, Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi (Ảnh minh hoạ: Công Hiếu)

Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ được biểu quyết thông qua trước khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp.

Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi), khi phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (sáng 15/1), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự án Luật có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

Theo ông Vương Đình Huệ, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, dự thảo Luật đẫ được chỉnh lý, hoàn thiện đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc chi phối, thao túng tổ chức tín dụng; quy định minh bạch về cơ chế tài chính, hạch toán, quản trị các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu...

"Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng 2 lần tại phiên họp thứ 29 (tháng 1/2024), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý rất nhiều điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên khai mạc.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn