• Zalo

Sáng chế thành công thiết bị sấy cá sặc rằn

Khoa học - Công nghệThứ Tư, 23/05/2018 07:30:00 +07:00Google News

ThS. Phan Văn Hiệp cùng nhóm cộng sự ở Trường đại học Văn Hiến (TP.HCM) đã nghiên cứu sáng chế thành công thiết bị sấy cá sặc rằn, ứng dụng năng lượng mặt trời với nguyên lý hiệu ứng nhà kính.

Với dàn sấy năng lượng mặt trời, sản lượng cá khô tăng ít nhất gấp 3 lần so với việc phơi nắng truyền thống, tiết kiệm nhân công, tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Thiết bị sấy này gồm: Buồng sấy với các dàn sấy chuyển động quay quanh trục cố định và sử dụng dòng không khí sấy hồi lưu; các bộ phận điều chỉnh tự động tốc độ quay của dàn sấy và tốc độ dòng không khí theo nhiệt độ đo được bên trong buồng sấy; mức điều chỉnh tự động độ ẩm theo thông số cảm biến độ ẩm…

Nguyên lý hoạt động: Ánh sáng mặt trời chiếu xuống xuyên qua mặt kính trong suốt, gặp vật màu đen (cá sặc rằn) được xếp trên các dàn phơi sấy đặt trong hệ thống quay và đặt bên trong buồng thu năng lượng là một dạng “bẫy nhiệt”, khiến cho cá và cả dàn quay nóng lên.

Cá nóng lên sẽ bốc hơi nước, các khay và khung dàn nóng làm cho không khí trong buồng cũng nóng lên. Nhờ có quạt thổi (hoặc hút) mà không khí nóng có ẩm thoát ra từ cá được hút theo ra  ngoài. Các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm đặt bên trong buồng phơi sấy một mặt hiển thị các thông số, mặt khác, sẽ quyết định tự động điều chỉnh tốc độ quay của dàn phơi sấy, hệ thống phun sương…

Để ngăn chặn ruồi và các côn trùng khác xâm nhập vào bên trong, hệ thống buồng phơi được thiết kế một hành lang khép kín.

1526833951-gian-phoi-ca-sac

 

Trong trường hợp không có nắng hoặc ban đêm, hệ thống cảm biến nhiệt độ sẽ tự động đưa hệ thống sấy kết nối với nguồn cung cấp của lưới điện để tiếp tục hoạt động. Thiết bị sấy này, nhiệt độ trong buồng sấy khi có nắng tốt sẽ đạt mức 500C - 600C.

Thiết bị có hệ thống điều khiển vận hành, có thể cài đặt và thay đổi các thông số điều khiển vận hành bằng các mũi tên tăng - giảm, giám sát các thông số (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ quay…) và có thể thực hiện việc giám sát, tự động điều khiển hệ thống từ xa bằng giải pháp công nghệ IoT.

Hiện nay, thiết bị sấy cá ứng dụng năng lượng mặt trời này đã được đưa vào vận hành thử nghiệm tại hợp tác xã Tương Lai (huyện Củ Chi, TP.HCM) và cho kết quả bước đầu rất tốt. 

Trong thời gian tới nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục giám sát thiết bị tại hợp tác xã Tương Lai, để tiếp tục hoàn thiện thêm những chi tiết kỹ thuật giúp thiết bị vận hành tốt nhất. 

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn