Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, Đăng từng ước mơ vào bằng được đại học để có một cuộc sống tốt hơn. Năm 2010, Hải Đăng trở thành tân sinh viên khoa Quản trị kinh doanh, trường ĐH Văn Lang TP. Hồ Chí Minh trong sự vui mừng phấn khởi của cả gia đình. Nhưng đến năm 2, Đăng đột ngột quyết định dừng việc học đại học để đi… phượt cùng bạn bè.
Sau chuyến đi, Hải Đăng trở về quê Cà Mau để lập nghiệp. Trong quá trình tiếp xúc với người nuôi tôm, Đăng thấy mỗi khi cho tôm ăn thì các công đoạn phải làm bằng tay, nhiều ao tôm rộng thì người nuôi bơi xuồng xung quanh ao tôm dùng tay quăng thức ăn nên vừa tốn công, mất thời gian và hiệu quả mang lại không cao. Vì vậy, anh nảy sinh ý nghĩ chế tạo máy tự động cho tôm ăn.
Sau 6 tháng nghiên cứu và chế tạo, trải qua nhiều lần thất bại rồi làm lại, cuối cùng máy cho tôm ăn tự động thế hệ đầu cũng hoàn thiện. Máy được thiết kế với trọng lượng khoảng 20kg, chứa đến 60kg thức ăn.
Nguyên lý hoạt động đơn giản, chỉ cần đổ thức ăn vào bồn, ấn bộ điều khiển từ xa, thức ăn từ bồn chứa đặt phía trên dẫn xuống hệ ống ly tâm bắn ra bằng một môtơ đặt dưới cùng (có thể điều chỉnh thức ăn quăng xa hoặc gần). Người nuôi có thể cho tôm ăn liên tục trong ngày thông qua bộ hẹn giờ. Chính việc này tiết kiệm được công sức cho nông dân.
Điểm mạnh của máy là giúp tôm phát triển nhanh hơn vì lúc nào tôm cũng được ăn, tránh tình trạng dư thức ăn ảnh hưởng đến môi trường nước. Một điều quan trọng nữa là giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với hàng ngoại nhập, việc sử dụng cũng đơn giản, phù hợp với kiến thức cơ bản của người nông dân.
Bình luận