Sáng chế độc đáo này vừa đạt giải 3 trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh năm 2017 – 2018 do Sở GDĐT tỉnh Nghệ An tổ chức.
Thầy Lê Văn Hải (giáo viên bảo trợ đề án) đánh giá: "Đĩa nhạc này không chỉ là một nhạc cụ độc đáo dùng để chơi các bản nhạc đơn giản. Ngoài ra, thiết bị này là một dụng cụ thí nghiệm giúp học sinh hiểu rõ về bản chất, nguồn gốc của âm thanh, tần số âm, độ to, độ cao của âm".
Thầy Hải chia sẻ: "Đĩa nhạc có tính ứng dụng thực tế rất cao, đặc biệt khi giáo viên sử dụng dạy học phần âm thanh trong chương trình vật lý lớp 7 và phần sóng âm của vật lý 12. Mô hình đĩa nhạc sẽ giúp học sinh hứng thú và tiếp thu bài giảng nhanh hơn với một môn học được coi là khô khan như Vật lý".
Đĩa nhạc có 4 bộ phận: Đĩa nhạc, hệ thống làm quay đĩa, hệ thống thổi khí và các phím nhạc. Khi đĩa quay, không khí được thổi một cách liên tục vào đường ống. Người chơi nhạc sẽ ấn lên các phím để mở thông các đường ống cho khí được thổi vào vị trí các đường tròn có khoan lỗ ở trên đĩa. Khi đó đĩa sẽ phát ra âm đúng tần số bằng tần số của nốt nhạc tương ứng.
"Ban đầu tụi em làm đĩa bằng gỗ, rồi tự khoan bằng tay hàng trăm lỗ nhưng không được vì sai lệch. Sau một thời gian mày mò, cuối cùng bọn em chọn loại đĩa bằng nhựa, sử dụng công nghệ khoan vi tính" - Thông (một trong hai học sinh sáng chế đĩa nhạc) cho biết.
"Mỗi công đoạn tụi em phải làm đi làm lại nhiều lần để tìm ra phương án tối ưu. Khi đi vào vận hành đĩa phát âm chính xác gần như tuyệt đối chúng em vỡ òa hạnh phúc" - Thông chia sẻ.
Sản phẩm này đến với cuộc thi gây được sự chú ý đặc biệt của nhiều người tham quan bởi sự độc đáo, lạ mắt. Ban giám khảo đánh giá cao sự sáng tạo, biết vận dụng kiến thức đã học một cách linh hoạt để tạo ra sản phẩm mới mẻ, ứng dụng cao.
Bình luận