• Zalo

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bền vững tại Hòa Bình

Thị trườngThứ Năm, 06/10/2022 15:33:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sản phẩm nhãn của Hợp tác xã (HTX) Sơn Thủy, tỉnh Hòa Bình được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm nhãn Kim Bôi.

Tháo gỡ khó khăn cho cây nhãn

Năm 1989, cây nhãn Hương Chi được ông Bùi Văn Lực, khi ấy là Bí thư Đảng ủy xã được đưa về Sơn Thủy. Lần đầu tiên trên địa bàn xã có diện tích trồng nhãn được áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh 2,5 ha, nhưng suốt nhiều năm sau đó, do gặp nhiều trở ngại như thị trường, giá cả bấp bênh, vốn đầu tư và kiến thức thâm canh còn nhiều hạn chế nên diện tích nhãn tăng chậm, đến năm 2010 cả xã mới chỉ đạt 38 ha.

Vài năm trở lại đây, những khó khăn dần được tháo gỡ, nhận thức của cán bộ và người trồng nhãn có những thay đổi tích cực. Đến nay, tổng diện tích trồng nhãn của xã lên tới 136 ha, trong đó riêng diện tích của 41 thành viên HTX Sơn Thủy trồng 34 ha.

Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX Sơn Thủy cho biết, toàn bộ diện tích nhãn của HTX cho thu hoạch, cây trồng lâu nhất đến nay là 24 năm, cây mới nhất cũng được 10 năm.

Năm 2019, thời tiết thuận lợi, năng suất trung bình đạt 21 tấn/ha. Năm 2020, thời tiết khắc nghiệt, trung bình mỗi ha cho thu hoạch được 12 tấn, doanh thu của toàn HTX đạt 4,2 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2019. Năm 2022 này, sản lượng đạt từ 18 tấn/ha, doanh thu hơn 4,5 tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bền vững tại Hòa Bình - 1

Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX Sơn Thủy chăm sóc vườn cây.

Để sản phẩm nhãn được tiêu thụ một cách ổn định, từ năm 2020, HTX liên kết với doanh nghiệp Hải Anh ở Lạng Sơn để thu mua hơn 120 tấn nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng còn lại được thương lái về thu mua bán tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Năm 2022, nhiều doanh nghiệp đến thu mua gần 200 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu sản phẩm nhãn bán tự do được 9-10 nghìn/kg thì sản phẩm xuất khẩu đạt từ 13-15 nghìn/kg. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm xuất khẩu phải yêu cầu cao hơn”, ông Miển nói.

Để hỗ trợ cho HTX, năm 2020, các cấp, ngành tỉnh Hòa Bình hỗ trợ cho HTX tham gia chuỗi giá trị, chứng nhận VietGAP và hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm.

Nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và giá nhãn cao, thị trường tiêu thụ ổn định, thành viên HTX Sơn Thủy luôn chăm chỉ vun trồng cho nhãn tốt tươi để quả to, vỏ mỏng, cùi dày, ngọt dịu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Bà Bùi Thị Chiến ở xóm Khoang chia sẻ, gia đình trồng khoảng 2 ha giống nhãn Hương Chi. Thực tế qua nhiều năm cho thấy, cây nhãn có thu nhập cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp và trồng màu, nhưng lại đòi hỏi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và khâu chăm sóc để đảm bảo quả to, đều, mẫu mã đẹp, ngọt sắc.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, gia đình đã đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP, trong đó, thực hiện chặt chẽ việc ghi sổ nhật ký đầy đủ, ngày nào bón phân, phun thuốc, lượng thuốc, thời gian cách ly trước khi cung cấp ra thị trường.

Để đảm bảo chất lượng, gia đình luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh, kích thích ra hoa, đậu quả, cây nào cũng sai trĩu. Cứ vào vụ là thương lái tấp nập đến thu mua”, bà Chiến nói.

Sự vào cuộc của chính quyền

Ông Bạch Công Thi, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Phó trưởng ban Chỉ đạo phát triển KTTT, HTX huyện Kim Bôi cho biết, năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bền vững tại Hòa Bình - 2

Vườn nhãn của HTX Sơn Thuỷ.

Đồng thời, 34 ha nhãn của 41 hộ thành viên HTX Sơn Thủy được Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật trao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Nhờ đó, cây trồng này ngày càng có tiếng trên thị trường.

Chương trình trồng nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP để giữ được thương hiệu trên thị trường và đảm bảo phát triển bền vững cũng đã được triển khai áp dụng và sẽ triển khai tiếp chương trình đăng ký mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc”, ông Thi nói.

Cũng theo ông Thi, toàn huyện Kim Bôi hiện có 40 HTX, trong đó có 25 HTX dịch vụ nông nghiệp và 15 HTX ngành nghề khác. Thời gian qua, các HTX đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện với 5-6% GDP toàn ngành nông nghiệp của huyện.

Có được kết quả này ngoài sự nỗ lực của các HTX, các chính sách của tỉnh, huyện cũng là động lực thúc đẩy như việc bố trí 2 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học về cho 2 HTX; hỗ trợ cho 6 HTX vay vốn; đầu tư cho 4 HTX xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà lạnh, kho chứa, sân phơi, hệ thống tưới tiêu tự động từ các chương trình Mục tiêu, trong đó có Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình xóa nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Ngoài ra, huyện cũng phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các chương trình hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các HTX, xây dựng HTX điển hình tiên tiến, tìm hiểu những khó khăn, hạn chế và giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Kim Bôi là huyện được UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đánh giá là huyện dẫn đầu về phong trào phát triển kinh tế tập trung (KTTT), HTX trong toàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2020. Điều đáng nói là các HTX trên địa bàn hoạt động đúng bản chất, có hiệu quả thiết thực.

Ngày 1/11/2020, huyện Kim Bôi thành lập Câu lạc bộ các HTX với sự tham gia của toàn bộ các HTX trên địa bàn huyện, nhằm mục đích tập hợp để chính bản thân mỗi HTX tìm hiểu những khó khăn, thuận lợi và giúp đỡ nhau tháo gỡ và tạo việc làm cho các HTX”, ông Thi cho biết.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn