Thông tin với Báo điện tử VTC News, đại diện truyền thông của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd - chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử Temu - thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn) đã thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hành rà soát và yêu cầu Temu bổ sung hồ sơ. Đến nay, Temu đã nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung lần 02, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang trong quá trình xem xét nội dung hồ sơ theo quy định của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về thương mại điện tử.
Trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, Temu đã thực hiện một số yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương. Cụ thể:
Tạm dừng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu).
Có cảnh báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công Thương. Cảnh báo này để người tiêu dùng biết đây là website, ứng dụng chưa được Bộ Công Thương cấp phép và cần thận trọng khi thực hiện giao dịch.
Gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật về xúc tiến thương mại theo pháp luật của Việt Nam. Toàn bộ các sản phẩm, hàng hoá có khuyến mại trên 50% được gỡ bỏ theo quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và pháp luật có liên quan khác.
Bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để được hưởng các khoản thưởng và hoa hồng khác nhau tại thị trường Việt Nam.
Cũng trả lời VTC News, ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cũng xác nhận thông tin này. Theo ông Ninh, Cục đã yêu cầu Temu phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về thương mại điện tử. Theo đó, Temu đã gửi hồ sơ đăng ký hoạt động nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Chỉ khi nào hồ sơ hoàn chỉnh, Bộ Công Thương mới phê duyệt.
Bộ đã có thông báo, đến hết ngày 30/11, nếu chưa hoàn thành thủ tục đăng ký tại Việt Nam thì sàn Temu phải dừng hoạt động. Vì thế, mới đây, Bộ Công Thương đã yêu cầu Temu tạm dừng cho đến khi hoàn tất thủ tục đăng ký.
“Đến thời điểm này họ đã tuân thủ đúng theo quy định, đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và Cục đang xét duyệt hồ sơ. Việc Temu dừng hoạt động tại Việt Nam cũng là do yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số. Khi nào họ hoàn tất, đầy đủ hồ sơ thì sẽ tiếp tục hoạt động”, ông Ninh thông tin.
Ngoài ra, nói về việc gần đây người tiêu dùng mua sắm trên Temu nhưng chưa được giao hàng, ông Ninh cho biết, có thể do phía hải quan quy định không thông quan hàng cho những sàn thương mại điện tử chưa đăng ký với Bộ Công Thương, khiến hàng hóa của sàn Temu không được vào Việt Nam.
“Trường hợp người tiêu dùng không thể chờ đợi được Temu hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì có thể yêu cầu họ hoàn tiền. Trong trường hợp sàn Temu không trả hàng hoặc không hoàn tiền, khi nhận được phản ánh từ người tiêu dùng thì Cục mới vào cuộc can thiệp để đảm bảo quyền lợi cho người mua sắm”, ông Ninh nói.
Trước đó, Bộ Công Thương đã từng cảnh báo người tiêu dùng về những rủi ro khi mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký. Các nền tảng này không chịu sự giám sát từ các cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi. Khi phát hiện sản phẩm nhận được không đúng mô tả, phát sinh lỗi, hỏng hóc hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe, người tiêu dùng khó yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm. Khi xảy ra tranh chấp, quá trình giải quyết khiếu nại sẽ kéo dài và rất phức tạp.
Mặt khác, khi mua hàng, người tiêu dùng thường phải cung cấp các thông tin thanh toán quốc tế như thẻ tín dụng hoặc thông tin ví điện tử. Những dữ liệu này, nếu không được quản lý và bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, có nguy cơ bị đánh cắp hoặc bị khai thác trái phép, dẫn đến các rủi ro lớn về bảo mật thông tin cá nhân.
Ngoài ra, người tiêu dùng còn có thể phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thuế không được dự tính hoặc không như thông báo ban đầu.
Như Báo điện tử VTC Newsđưa tin, theo phản ánh của nhiều khách hàng, thời gian gần đây, khi truy cập sản thương mại điện tử này không còn hỗ trợ tiếng Việt, kèm theo đó là dòng thông báo (bằng tiếng Anh): "Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam và Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam". Toàn bộ nền tảng Temu từ website đến ứng dụng di động đồng loạt không còn hiển thị tiếng Việt mà chỉ còn hỗ trợ 3 loại ngôn ngữ là tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Nhiều người cho biết đã đặt hàng cả tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được hàng và cũng không được hoàn tiền. Có người thì trước đó do mua phải hàng lỗi nên được Temu phản hồi sẽ hoàn tiền. Tuy nhiên, khách hàng chọn hình thức hoàn tiền về tài khoản Temu vì nghĩ rằng sẽ còn mua thêm sản phẩm khác và hiện giờ cũng chưa thể rút ra.
Hầu hết các giao dịch cũng như các chương trình, chính sách thưởng hoa hồng của Temu đối với Affiliate Marketing không còn. Phía Temu thông báo cắt toàn bộ chương trình này.
Bình luận