Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, các websites: http://www.greattall.com, https://www.tangchieucaogreattall.com, http://vn-nguoikinhdoanh.com/suc-khoe/great-tall-uoc-mo-ve-mot-chieu-cao-li-tuong.html có nội dung quảng cáo sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Tall như thuốc chữa bệnh.
Các trang websites này đã dùng lời cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm với nội dung quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị, khuyến cáo người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên websites nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Được biết, Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Tall được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Great Mind (địa chỉ: Tổ 22A, Khu Hà Liễu, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP - hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đã quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo: “Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”.
"Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền; Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này.
Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.
Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”, luật sư Diệp Năng Bình thông tin thêm.
Về mức xử phạt, luật sư Diệp Năng Bình cho biết, quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân.
Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt sẽ cao gấp 2 lần, tức 40 - 60 triệu, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin.
Bình luận