• Zalo

Sản phẩm 'cuộc cách mạng của người Rục'

Thời sựThứ Sáu, 11/11/2011 01:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người Rục đã biết đến cuộc sống văn minh sau thời kỳ sống trong hang đá với hình ảnh tóc dài quá vai, thân không mảnh vải...

(VTC News) - Hơn 50 năm trước, người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) mới được phát hiện khi họ sinh sống trong hang đá với hình ảnh tóc dài quá vai, thân không mảnh vải. Khi mới được đưa ra định cư họ vẫn sống dựa vào săn bắn là chủ yếu, thì nay họ đã biết trồng lúa nước.

Mấy ngày nay, đặt chân lên vùng đất biên giới ở bản Yên Hợp, Mò o - ồ ồ, thuộc xã Thượng Hóa, mùi thơm gạo mới bốc lên từng nóc nhà của đồng bào Rục, tưởng như cả bản đang vào hội. Hạt gạo đầu tiên mà họ cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng 585 làm ra được ví như sản phẩm cuộc cách mạng của người Rục.

Cuộc cách mạng của người Rục

Chiều buông ở bản biên giới, cơn mưa rừng đã ngừng cho những tia nắng sắp tàn trên đỉnh núi. Bên nóc nhà sàn, khói lam chiều mang mùi thơm gạo mới lan tỏa cả bản làng.

Chung tôi cùng Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng 585 tới nhà ông Cao Tiến Thuỳnh (bản Mò o - ồ ồ) khi cả gia đình ông quây quần bên mâm cơm tối.

Không giấu được sự mừng vui, ông bảo: “Cán bộ phải ăn bữa cơm với gia đình mình mới được. Đây là bữa cơm gạo mới đầu tiên, thơm lắm. Nhờ ơn các anh bộ đội mà bà con dân tộc mình mới làm được hạt gạo”.
Bộ đội và đồng bào Rục ở Quảng Bình hăng hái làm đồng
Bà Cao Thị Văn, vợ ông ngồi bên nồi cơm, miệng cười móm mém: “Sướng cái bụng quá. Trước đây nhà tôi làm lúa trên nương nhưng chẳng có năm nào được hạt thóc mà ăn, không mất mùa thì bị con sóc, con heo rừng phá. Lúa gạo Nhà nước cho thì chỉ đủ ăn 8 tháng thôi, những tháng còn lại phải ăn dè dặt lắm, nhưng bữa nay không lo nữa, đã có gạo mình tự tay làm rồi”.

Trong mùa gặt đầu tiên, gia đình ông Thuỳnh được chia trên 1 tấn lúa, là hộ được nhiều lúa nhất cả bản vì được nhiều công điểm. Ông Thuỳnh kể: “Lúc đầu cán bộ đến vận động mình đi làm lúa nước mà nghe nản lắm, mình và bà con đã biết lúa nước là cái gì đâu nên cũng không muốn làm. Vậy mà giờ nhà nào cũng có lúa chất đầy chạn, vui lắm”.
Niềm vui khó tả của đồng bào khi làm được vụ lúa nước đầu tiên
Trước đây, gia đình ông Ka Man ở bản Yên Hợp chỉ biết sống dựa vào hạt ngô trên rẫy, gạo của Nhà nước cho 6 tháng mỗi năm, mỗi tháng 15 kg/người. Ông bảo gạo phải ăn độn với ngô, sắn mới đủ cho 12 tháng.

Còn bây giờ, trên chạn nhà của ông đã đầy ắp lúa mới do chính tay mình làm ra. “Giờ thì mình không lo phải thiếu gạo vào mùa giáp hạt nữa rồi, ăn no thì chắc chăn rồi. Mình tính năm nay ngô sắn đầy nhà, sẽ dùng cho việc nuôi con lợn, con gà mà cải thiện bữa ăn ngon hơn”, ông tính.

Kể từ ngày đứa con thứ 7 là Hồ Nam vào học tại trường ĐH Quảng Bình, ông Hồ Ét đã phải bán hết đàn bò của mình để lo cho con ăn học. Tuổi già, vợ chồng ông cũng chẳng còn sức lên núi phát rẫy trỉa ngô nên cuộc sống rất khó khăn, lúa gạo Nhà nước hỗ trợ chỉ đủ ăn phần nào.

Nhưng từ khi tham gia sản xuất lúa nước, gia đình ông năm nay đã có gạo dự trữ trong nhà, chẳng lo thiếu cái ăn vào mùa giáp hạt. Hồ Ét mừng rơi nước mắt hôm được chia lúa, ông nói với bộ đội rằng: “Chừ thì mình không sợ thiếu gạo ăn nữa, thằng Nam không sợ phải bỏ học nữa rồi”.

Thượng úy Phạm Xuân Ninh kể rằng, trước nay ở các bản người Rục đâu đâu cũng thấy phân trâu, bò. Phân nằm tràn lan trong sân nhà mà bà con cũng mặc kệ vì sợ bẩn tay. Khi dự án lúa nước Rục Làn triển khai, bộ đội vận động người dân thu gom phân bón lúa, họ đã dần ý thức và dọn dẹp, thu gom phân sạch sẽ.

“Họ còn biết dùng trâu bò cày ruộng, biết gieo lúa, tỉa dặm và bón phân cho lúa… Đó là sự thành công lớn của dự án và cuộc cách mạng đầy ý nghĩa của người Rục”, Thượng úy Ninh khẳng định.

Vỡ òa niềm vui đầu tiên trên cánh đồng lúa nước
Vượt qua muôn vàn khó khăn

Thiếu tá Hoàng Đình Dung, Đồn phó Đồn Biên phòng 585 cho biết, vụ lúa nước đầu tiên đạt sản lượng trên 35 tấn, năng suất bình quân là 3,5 tấn/ha. Số lúa này được chia đều cho bà con ngay tại ruộng khi mới gặt xong.

Sau vụ gặt đầu tiên, vụ lúa thứ 2 đã được triển khai gieo cấy với sự tham gia rất nhiệt tình của 100% bà con người Rục ở hai bản Mò o - ồ ồ và bản Yên Hợp. Nhưng để có vụ lúa nước thành công đó, các chiến sĩ Đồn Biên phòng 585 trải qua không biết bao nhiêu khó khăn và muôn vàn sự lo lắng.

Thiếu tá Dung cho biết mảnh ruộng 10 ha trước đây vốn là một vùng thấp trũng, cây cỏ mọc um tùm nên bộ đội phải tốn rất nhiều công sức cùng máy móc mới san ủi được mặt bằng, tạo đất màu. Nhưng khi vừa làm xong thì nước lũ đổ về cuốn trôi hết đất màu, các chiến sĩ đồn 585 lại phải bắt tay vào cải tạo đất.

Rồi thiên tai khắc nghiệt, rét thường kéo dài nên lịch xuống giống phải triển khai chậm hơn. Sau khi sạ xong lại gặp rét đậm, lúa sinh trưởng chậm và kéo dài tới 5 tháng mới thu hoạch…
Cơ giới hóa nông nghiệp tại cánh đồng lúa nước của bà con người Rục
Thượng úy Phạm Xuân Ninh, vốn tốt nghiệp kỹ sư nông lâm tại Trường ĐH Nông lâm Huế cho biết thêm: “Xung quanh ruộng là rừng núi nên sâu bọ rất phát triển, khó diệt trừ và kinh nghiệm làm lúa nước của các chiến sĩ đồn còn hạn hẹp”.

Nhưng khó khăn nhất là việc vận động người Rục cùng tham gia làm lúa nước bởi họ còn rất lạc hậu, không biết gì về lúa nước và chưa từng cầm cày làm đất, chẳng biết tính toán làm ăn.

Để đồng bào Rục tin tưởng, năm 2008 Đồn Biên phòng 585 đã thử nghiệm trồng lúa nước nhỏ trên mảnh ruộng 800m2 của ông Trần Trung Trực ở bản Yên Hợp.

Thiếu tá Phạm Bá Tuyên, người phụ trách mô hình đó cho biết, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngay từ vụ đầu năng suất lúa đã đạt 3,5 tạ/sào, vụ thứ 2 đạt trên 4 tạ/sào nên bà con rất tin tưởng.
Những hạt lúa trên cánh đồng của bà con chín vàng

Đã có kinh nghiệm, cuối năm 2010 Đồn Biên phòng 585 quyết định triển khai dự án lúa nước Rục Làn trên diện tích 10 ha. Các cán bộ và chiến sĩ đồn  được chia ra nhiều tổ như tổ làm đất, tổ gieo sạ, tổ chăm sóc lúa… để làm mẫu cho bà con xem. Để vận động người Rục tham gia, đồn 585 đã thành lập 4 tổ công tác xuống cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân.

Thiếu tá Dung cho biết: “Hiện chúng tôi đã thành lập xong 2 hợp tác xã nông nghiệp do bà con bầu ra. Mô hình hợp tác xã vừa cũ lại vừa mới, trước tiên thì làm theo thời bao cấp là làm công chia điểm, bộ đội biên phòng sẽ chủ động sản xuất. Vài ba năm nữa sẽ chuyển giao hoàn toàn cho bà con tự chăm sóc, bộ đội chỉ hỗ trợ”.

Trần Viết Long - Minh Quang

Bình luận
vtcnews.vn