Người đàn ông tên Lin ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do sốt cao, nôn mửa và ho kéo dài. 10 ngày trước đó, bệnh nhân sốt cao 39 độ C, uống thuốc hạ sốt tại nhà nhưng không đỡ.
Sau khi chụp X-quang, bác sĩ phát hiện gan của bệnh nhân lúc nhúc sán. Bác sĩ chẩn đoán người này mắc sán lá gan. Sán lá gan thường gặp ở các bệnh nhân ăn cá nước ngọt chưa nấu chín.
Khai thác bệnh sử, ông Lin thừa nhận thường xuyên ăn các món từ cá sống trong suốt 3 năm qua. Khi ăn ông đã bỏ rất nhiều mù tạt vì nghĩ vị cay mạnh sẽ làm vi trùng và ký sinh trùng chết hết. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm.
Bác sĩ cho biết, khi ăn cá sống, ấu trùng sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành, ký sinh tại đây và gây bệnh ở đường mật.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, khi vào gan, sán có thể sống trong cơ thể 20-30 năm.
Cách duy nhất để tránh nhiễm trùng sán lá gan là tránh ăn cá, ốc hay các loại rau thủy sinh chưa được nấu chín.
Ở giai đoạn đầu, sán lá gan không có triệu chứng rõ ràng, khi có các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, khó chịu ở bụng trên thì đã ở giai đoạn nhiễm trùng nặng.
Bệnh sán lá gan chia làm 2 loại là sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ. Với sán lá gan nhỏ, thường trên 100 con mới có biểu hiện, trong khi sán lá gan lớn sẽ xâm nhập vào nhu mô gan sau 2-3 tháng.
Bình luận