• Zalo

Sàn gỗ lim cầu đi bộ siêu sang ở Huế rạn nứt: Quy trình kiểm duyệt gỗ ra sao?

Thời sựThứ Tư, 12/09/2018 07:05:00 +07:00Google News

Gỗ lim nhập khẩu trước khi được xẻ thanh mang ra ốp sàn cầu đi bộ ở Huế phải trải qua nhiều công đoạn, quy trình kiểm duyệt của chủ đầu tư.

Sự việc gỗ lim lát sàn cầu đi bộ siêu sang ở Huế rạn nứt gây xôn xao dư luận khiến nhiều người thắc mắc về quy trình kiểm duyệt gỗ. Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV VTC News có buổi làm việc với ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế (nhà thầu thi công dự án). Ông Thành tiết lộ quy trình kiểm duyệt chất lượng gỗ lim ốp sàn cầu đi bộ trên sông Hương (TP Huế).

Theo ông Văn Viết Thành, khi gỗ nguyên liệu (gỗ nguyên khối) được nhập khẩu về, đại diện chủ đầu tư sẽ trực tiếp đến nghiệm thu tại xưởng để kiểm tra gỗ xem có đúng nguồn gốc xuất xứ, quy cách cũng như tiêu chuẩn trong hồ sơ thiết kế hay không.

Sau khi kiểm tra gỗ nguyên liệu xong, nếu đạt yêu cầu, gỗ sẽ được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng (đơn vị cung ứng gỗ cho nhà thầu thi xông) xẻ thành các thanh theo 12 chủng loại, kích thước với tiêu chuẩn của đề án (các thanh gỗ có cùng độ dày, chiều rộng nhưng khác nhau về chiều dài và được ký hiệu từ SA1 - SA12).

Sau khi được xẻ thanh đúng tiêu chuẩn, chủ đầu tư đến xưởng kiểm tra, nghiệm thu và loại bỏ những thanh gỗ không đạt chất lượng như nứt, cong, vênh... trước khi chuyển sang nhà thầu thi công tẩm ướp hoá chất, sấy và đo độ ẩm theo tiêu chuẩn thiết kế.

Ông Văn Viết Thành cũng cho biết, sau khi gỗ xẻ thanh được chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu, số gỗ này được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đại Hùng xuất cho Công ty Cổ phần xây dựng thuỷ lợi Thừa Thiên - Huế với giá là 36 triệu đồng/khối. Sau đó, các thanh gỗ được mang đi sấy, tẩm hoá chất, đo độ ẩm...Kinh phí phục vụ công đoạn này do công ty ông Thành tự chi trả.

41544590_339442373295511_8566590572867878912_n

 Theo ông Thành, những thanh gỗ đã thi công nếu xuất hiện vết nứt thành đường đều được đánh dấu và sẽ thay thế.

Sau khi gỗ lim được sấy và đo độ ẩm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, một lần nữa, chủ đầu tư sẽ đến nghiệm thu và loại bỏ những thanh gỗ không đạt yêu cầu. Lượng gỗ hao hụt chiếm khoảng 3% thường là do bị cong vênh trong quá trình sấy. 

Sau đó, những thanh gỗ đạt tiêu chuẩn được mang ra công trường lắp ráp vào mặt sàn cầu đi bộ. Trong quá trình lắp ráp, tư vấn giám sát tiếp tục theo dõi, thanh gỗ nào xuất hiện những vết nứt dọc sẽ được thay thế.

Đối với những thanh gỗ bị rạn nứt chân chim trên bề mặt, ông Thành cho rằng đó là điều đương nhiên vì theo tư vấn thiết kế đánh giá, tính toán, hiện tượng này không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của gỗ mà nó chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ.

Ngoài ra, theo ông Thành, khi cầu đi bộ trên sông Hương được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, nhà thầu thi công phải bảo hành công trình 30 tháng trong khi, thời gian bảo hành công trình thường chỉ vào khoảng 12 tháng, theo luật xây dựng.

Tuy nhiên, do đây là công trình đặc biệt với yêu cầu khắt khe của nhà tài trợ nên thời gian bảo hành lên gấp 2,5 lần bình thường. Trong thời gian bảo hành, mọi hỏng hóc liên quan đến công trình, nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục.

1_83194-4-1328523 3

 Cầu đi bộ lát gỗ lim siêu sang gây nhiều tranh cãi ở Huế. 

Theo Ban Quản lý dự án (BQLDA) KOICA, công trình cầu đi bộ lát gỗ lim nằm dự án dự án thí điểm của dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ. Cơ quan tư vấn thiết kế lập quy hoạch và dự án thí điểm là Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc.

Theo đó, trong quy mô tóm tắt dự án “Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế” có cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng và các hạng mục khác.

Thông tin BQLDA KOICA cung cấp, tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2.

Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý (ngâm hóa chất, sấy...) và gia công, lắp dựng.

Theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim là nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.

Video: Nắng nóng, cầu đi bộ ở Hà Nội chảy nhựa, nhem nhuốc

Nguyễn Vương
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn