• Zalo

Samsung mời, doanh nghiệp Việt lắc: Nỗi đau đến bao giờ?

Kinh tếThứ Năm, 11/09/2014 03:46:00 +07:00Google News

(VTC News) – GS Nguyễn Mại cho rằng, việc doanh nghiệp Việt ‘lắc đầu’ trước đề nghị của Samsung không có gì lạ, nhưng ‘nỗi đau’ đó không thể kéo dài.

(VTC News) – GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc doanh nghiệp Việt ‘lắc đầu’ trước đề nghị của Samsung không có gì lạ, nhưng ‘nỗi đau’ đó không thể kéo dài.

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức sáng 11/9, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)  cho biết, ngay từ đầu Thế kỉ 21, Chính phủ đã có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Công ty Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh  Ảnh: Minh Hà

Tuy nhiên,  sau 14 năm triển khai đến nay công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn còn rất mơ hồ, chưa định hình được sản phẩm. Nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, da giày, dệt may…vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp.

“Không sản xuất được cả cục sạc, ốc vít, nhập khẩu đến cả cúc áo… là nỗi đau của ngành công nghiệp Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói.

Theo ông Mại, nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại công nghiệp hỗ trợ quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn.


 

Không sản xuất được cả cục sạc, ốc vít, nhập khẩu đến cả cúc áo… là nỗi đau của ngành công nghiệp Việt Nam
GS. Nguyễn Mại
 
Cũng theo ông Mại, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số tập đoàn hàng đầu thế giới như TOYOTA, HONDA, INTEL, SAMSUNG, CANON… không đầu tư nhà máy sản xuất công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam.

Thêm vào đó, mô hình liên kết theo chiều dọc - chuỗi giá trị sản phẩm từ người cung ứng đầu vào- người sản xuất sản phẩm cuối cùng - người phân phối sản phẩm và theo chiều ngang- giữa các nhà sản xuất cùng một loại sản phẩm với sự phân công và hợp tác để tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế vẫn còn quá yếu kém.

Ông Mại cho rằng, Việt Nam là nước công nghiệp hóa đi sau nên cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin học hỏi kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngay từ Thái Lan và Maylaysia, đây là hai quốc gia láng giềng có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.


Nhận định về động thái của Samsung khi đưa ra đề nghị doanh nghiệp Việt hợp tác cung cấp 170 sản phẩm cho tập đoàn này, ông Mại cho rằng đó thiện ý của Samsung, không có gì phải nghi ngờ. Doanh nghiệp Việt ‘lắc đầu’ cũng là chuyện không có gì lạ bởi thực sự công nghệ của ta thời điểm này chưa đáp ứng được.

“Để đáp ứng được về mặt công nghệ, có thể trở thành doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất của một doanh nghiệp lớn như Samsung là không dễ. Nhưng khó mấy chúng ta cũng phải làm. Cái này đòi hỏi sự đáp ứng cả về chính sách vĩ mô, lẫn sự nỗ lực của chính doanh nghiệp trong nước…”, GS. Nguyễn Mại khẳng định.
 các ngành công nghệ cao của nước ta vẫn chưa phát triển mạnh được mà nguyên nhân xuất phát từ việc phát triển không đồng bộ công nghiệp hỗ trợ.
Các ngành công nghệ cao của nước ta vẫn chưa phát triển mạnh được mà nguyên nhân xuất phát từ việc phát triển không đồng bộ công nghiệp hỗ trợ. 

Được biết, năm 2013, Samsung đã xuất khẩu điện thoại di động với kim ngạch 23.9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam đã lần đầu tiên trở thành một cứ điểm sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới, khi cứ 400 triệu điện thoại di động của Samsung được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu điện thoại được sản xuất tại Bắc Ninh.

Trước thực tế này, theo ông Mại, “Việt Nam phải tìm mọi cách để bước vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Samsung... không thể nào chấp nhận được việc Việt Nam là cứ điểm lớn sản xuất hàng trăm triệu sản phẩm cho Samsung mà lại để họ đi nhập linh kiện từ nước khác”.


Tại hội thảo, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung cũng đánh giá, thực tế công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn tương đối lạc hậu. Hiện nay doanh nghiệp Việt chỉ cung ứng được sản phẩm in ấn, bao bì cho Samsung.

 

Thực tế công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn tương đối lạc hậu. Hiện nay doanh nghiệp Việt chỉ cung ứng được sản phẩm in ấn, bao bì cho Samsung.

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung
 
"Nếu không thể phát triển được công nghiệp phụ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và hệ quả của nó là sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài",
ông Shim Won Hwan nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Shim Won Hwan, trong công cuộc phát triển doanh nghiệp phụ trợ, nếu chỉ có sự cố gắng của bản thân các doanh nghiệp mua hàng như Samsung, hay hỗ trợ của Chính phủ, và tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc thì cũng chưa đủ.

"Trước hết, bản thân doanh nghiệp phụ trợ  phải tự lực thì chúng ta mới có thể giành được lợi thế cạnh tranh hơn so với các công ty khác về chất lượng, giá thành và thời hạn giao hàng.


Ngoài ra, chúng ta cũng phải thay đổi suy nghĩ về đối thủ cạnh tranh, lúc này không chỉ đơn thuần chỉ là giữa doanh nghiệp Việt Nam hay Hàn Quốc mà còn là tất cả các doanh nghiệp khác trên phạm vi thị trường toàn cầu", Tổng giám đốc tổ hợp Samsung khuyến cáo.


» Việt Nam, chiếc ôtô và cây lúa
» Chân dung 2 nữ tỷ phú xinh đẹp thừa kế tập đoàn Samsung
» Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: DN nội sẽ được tăng sức mạnh

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn