• Zalo

Samsung chế pin sạc siêu nhanh, sạc đầy smartphone chỉ trong 12 phút

Khoa học - Công nghệThứ Năm, 30/11/2017 07:40:00 +07:00Google News

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện công nghệ tiên tiến Samsung (SAIT) vừa tìm được cách phát triển một loại "bóng graphene", có thể thay đổi những gì chúng ta nghĩ về pin.

Trong một tuyên bố mới, đại gia công nghệ Hàn Quốc mô tả bóng graphene là một "vật liệu pin độc nhất vô nhị", cho phép tăng 45% điện dung cũng như tăng gấp 5 lần tốc độ sạc so với các viên pin lithium-ion tiêu chuẩn hiện nay.

Năm 2004, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Manchester, Anh từng tìm ra cách phân lập graphene lần đầu tiên. Theo nhóm chuyên gia này, graphene là vật liệu mỏng nhất trên hành tinh nhưng chắc hơn thép gấp 200 lần, trong suốt và cũng là vật liệu dẫn điện tốt nhất trên thế giới.

samsung-che-pin-sac-sieu-nhanh-sac-day-smartphone-chi-trong-12-phut-1

Loại pin sạc siêu nhanh của Samsung. 

Samsung tuyên bố, nghiên cứu của họ hứa hẹn "triển vọng cho thị trường pin thế hệ tiếp theo", đặc biệt liên quan đến các thiết bị di động và xe điện. Theo Samsung, trong khi các viên pin lithium-ion tiêu chuẩn cần ít nhất 1 giờ để sạc đầy thì về mặt lý thuyết, một viên pin chế tạo từ vật liệu bóng graphene chỉ mất 12 phút để sạc đầy. Hơn thế nữa, viên pin cũng có thể duy trì nhiệt độ ổn định 60 độ C.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho phép tổng hợp hàng loạt vật liệu graphene đa hợp, đa chức năng với giá cả phải chăng. Đồng thời, chúng tôi cũng có thể tăng đáng kể các tính năng của pin lithium-ion trong điều kiện các thị trường dành cho thiết bị di động và các xe điện đang phát triển nhanh chóng. Chúng tôi cam kết tiếp tục khám phá và phát triển công nghệ pin đón đầu những xu hướng này", Son In-hyuk, người đứng đầu dự án của SAIT nhấn mạnh.

Video: Samsung ra mắt loại pin mới kéo dài hoạt động cho xe điện

Pin sạc siêu tốc là thành quả công tác nghiên cứu giữa SAIT với nhà sản xuất pin Samsung SDI và các chuyên gia thuộc Trường Hóa học và công nghệ sinh học, ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí Nature Communications.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn