• Zalo

Sám hối của người cầm đầu vụ sát hại 18 phu vàng

Pháp luậtChủ Nhật, 11/10/2015 08:39:00 +07:00Google News

Người con ưu tú của bản, ông Alăng Tría cùng dân làng không giao công an mà nổ súng trả thù, chỉ một nạn nhân may mắn sống sót.

Bắt giữ 19 người nghi là thủ phạm sát hại nam giáo viên, người con ưu tú của bản, ông Alăng Tría cùng dân làng không giao công an mà nổ súng trả thù, chỉ một nạn nhân may mắn sống sót.

Một ngày tháng 10, trong ngôi nhà sàn nhỏ ở thôn Vinh, xã Tà Pơơ (huyện Nam Giang, Quảng Nam), già Alăng Tría đang ngồi răn dạy đám trẻ trong xóm những điều hay lẽ phải. Một trong những đứa trẻ đó bị cô giáo phạt vì đánh nhau ở trường.

Nhìn khuôn mặt và cách dạy dỗ ân cần của già đối với đám con cháu, không ai nghĩ đây là hung thủ chính trong vụ án thảm sát 18 phu vàng gây rúng động gần 30 năm trước.
Già Alăng Tría nói rằng, trong sâu thẳm ông chỉ mong một lần được gia đình các nạn nhân tha thứ. Ảnh. Tiến Hùng.
Già Alăng Tría nói rằng, trong sâu thẳm ông chỉ mong một lần được gia đình các nạn nhân tha thứ. Ảnh. Tiến Hùng. 
Năm nay 89 tuổi, già Alăng Tría nói rằng dù đã phải đền tội hơn 10 năm trong tù nhưng đến giờ vẫn còn day dứt về những tội lỗi gây ra. “Còn một việc mà tôi và một số người dân thôn này vẫn chưa làm là đến tận nhà từng nạn nhân để xin lỗi. Tới lúc chết, chúng tôi chỉ mong được họ tha thứ”, ông nói.
Nhấp vội ly nước, già Tría kể những năm 80 của thế kỷ trước, khu vực khe Vinh rất nhiều vàng. “Vàng nhiều đến mức cứ mỗi ngày ra suối đãi, một người trúng được vài chỉ là chuyện bình thường. Người dưới xuôi, người địa phương đổ xô tới đây để đãi vàng rồi mâu thuẫn từ việc tranh giành địa bàn xảy ra”, ông nói.
Ngôi nhà của vợ chồng già Tría. Sau khi ra tù ông được xem là già làng gương mẫu, giúp người dân xóa bỏ tục trả đầu người. Ảnh. Tiến Hùng.
Ngôi nhà của vợ chồng già Tría. Sau khi ra tù ông được xem là già làng gương mẫu, giúp người dân xóa bỏ tục "trả đầu người". Ảnh. Tiến Hùng. 

Năm 1986, tranh thủ ngày nghỉ anh Alăng Nơ (23 tuổi, giáo viên), con trai Alăng Tría, cũng tham gia vào đoàn đãi vàng ở khe Vinh. Vào một ngày tháng 10 năm đó, Alăng Nơ xảy ra mâu thuẫn với nhóm người ở huyện Đại Lộc tại bãi vàng. Nghe tin báo từ 4 người trong bản về việc Alăng Nơ bị đánh chết và cướp hết đồ đạc, ngay trong đêm, người cha kêu gọi dân làng mang hơn 10 khẩu súng đi trả thù.
Đến sáng 12/10/1986, đoàn người do Alăng Tría dẫn đầu bắt gặp 19 phu vàng đang ăn sáng ở trong rừng nên trói, đưa về làng. Tuy nhiên, đây là những thanh niên cùng quê Đại Lộc nhưng không liên quan những người tấn công anh Alăng Nơ.
Alăng Tría và số  đông dân làng quyết định xử theo tục ‘trả đầu người’ mà không giao cho công an. Họ sau đó dẫn 19 phu vàng vào rừng sâu. Sau loạt súng nổ, 18 người bị giết. Chỉ một người may mắn chạy thoát về báo với công an huyện.
Hàng chục người dân thôn Vinh bị bắt. 9 người trực tiếp ra tay sát hại 18 phu vàng nhận mức án từ 5 năm đến 15 năm tù, hàng chục người bị phạt tù treo. Trong số này, già Tría nhận mức án cao nhất. Sáu người quê Đại Lộc giết hại thầy giáo Alăng Nơ cũng bị phạt tù.
Ông Alăng Baih nói đến nay câu chuyện buồn gần 30 năm trước vẫn còn ám ảnh ông. Ảnh. Tiến Hùng.
Ông Alăng Baih nói đến nay câu chuyện buồn gần 30 năm trước vẫn còn ám ảnh ông. Ảnh. Tiến Hùng. 
Hiện trong số những người liên quan vụ án này, chỉ còn lại già Tría và 4 người còn sống. Ông Alăng Baih (68 tuổi) cho hay đến giờ, trong nhiều giấc ngủ vẫn còn ám ảnh câu chuyện buồn năm đó. “Không hiểu sao lúc đó chúng tôi lại hành động như vậy. Lúc đó tôi còn trẻ và dân làng ở đây vẫn còn quá nặng nề với hủ tục ‘trả đầu người’. Vì quá đau đớn trước cái chết của Alăng Nơ nên chúng tôi không ai giữ được bình tĩnh”, ông Baih ân hận nói và cho hay anh Alăng Nơ là người đầu tiên tại bản làm thầy giáo, là niềm tự hào của dân làng.
Ra tù, chăm chỉ làm việc để hoàn lương, để chuộc lại một phần tội lỗi, già Tría và người dân thôn Vinh vẫn thường xuyên đến nơi mà 18 phu vàng bị giết hại năm đó để hương khói. “Tội của chúng tôi chất cao hơn cả núi nhưng chỉ mong làm được việc gì đó bù đắp phần nào lỗi lầm trong quá khứ. Lúc đó ở vùng rừng núi này, chúng tôi chỉ biết nợ máu phải trả bằng máu theo tập tục”, già Tría nói.
Ông Tờngôn Kía, Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ cho hay, sau khi lần lượt chấp hành án phạt, những hung thủ trong vụ án thảm sát xưa đều có nhiều đóng góp cho cộng đồng. “Những thanh niên trong làng hư hỏng đều được họ đến tận nhà cảm hóa. Những hủ tục đã ăn sâu vào máu từ thời xưa như ‘trả đầu người’ nay không còn một phần cũng nhờ họ tuyên truyền tới các bà con, dân bản”, ông Kía nói.

Video tiết lộ nhà báo Mỹ bị sát hại 

Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn