• Zalo

Sai sót trong Bộ luật Hình sự 2015: Sẽ xem xét trách nhiệm cá nhân

Thời sựThứ Ba, 19/07/2016 18:08:00 +07:00Google News

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc phải tạm dừng đưa vào thi hành và phải sửa Bộ Luật hình sự 2015 là điều đáng tiếc của các đại biểu Quốc hội khóa XIII và sẽ xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan.

Trong buổi họp báo chiều 19/7 trước kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chia sẻ nhiều về trách nhiệm của Quốc hội trong quá trình xây dựng bộ luật Hình sự 2015.

Nguyen hanh phuc -3

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Ông Phúc cho rằng Bộ luật Hình sự 2015 phải tạm dừng thi hành để sửa là "điều rất đáng tiếc của đại biểu Quốc hội khóa XIII khi chưa có hiệu lực đã phải dừng lại và tiếp tục sửa hơn 90 điều".

"Đại biểu sẵn sàng nhận trách nhiệm, không từ chối. Đây không phải do quy trình thủ tục, đây là bộ luật duy nhất trong số 107 luật bộ luật ban hành sau Hiến pháp 2013 ra có nhiều sai sót như vậy.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận trách nhiệm, tới đây sẽ xem xét vụ thể trách nhiệm của các cá nhân, một cách công minh, không né tránh", ông Hạnh Phúc nói.

Tổng Thư ký Quốc hội cũng lý giải rằng khi Chính phủ trình ra thì Ủy ban Tư pháp giúp Quốc hội thẩm tra, Ủy ban Pháp luật rà soát các vấn đề liên quan.

"Việc xem xét trách nhiệm chắc chắn là liên quan đến Quốc hội khóa XIII, có những đồng chí đã nghỉ rồi và có đồng chí tiếp tục tái cử", ông Phúc nói.

Về trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra sai sót đối với Luật Hình sự, ông Phúc cho rằng trên cơ sở xem xét thấu đáo, kỹ lưỡng các điều trong luật và sẽ xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân của khóa XIII và cả khóa XIV.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan báo chí băn khoăn việc tại Quốc hội khóa XIV có 2/3 là đại biểu mới, trẻ sẽ có ảnh hưởng tới công tác lập pháp.

Trả lời vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết không phải khóa XIII, XIV mà các khóa trước cũng có đại biểu tái cử không nhiều.

So với 3 khóa gần đây, thì Quốc hội khóa XIV có số lượng tái cử cao nhất. Đây là lực lượng nòng cốt giúp đỡ cho đại biểu khóa mới.

"Các đại biểu mới cũng đa số là đại biểu làm ở công tác lập pháp, có am hiểu về pháp luật. Hy vọng Quốc hội khóa XIV sẽ tốt hơn nhiều", ông Phúc nói.

Về vấn đề doanh nhân bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội, ông Phúc cho rằng là việc ngẫu nhiên. Quốc hội khóa XIII có 2 doanh nhân nữ còn Quốc hội khóa XIV thì có 1 doanh nhân không đủ tư cách đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội diễn ra.

"Quốc hội là đại diện của nhân dân nên do người dân lựa chọn. Các đại biểu cần xác định là đại biểu của dân thì phải trung thực chứ không phải vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia. Vào Quốc hội phải cố gắng phấn đấu chứ các sai phạm trước sau rồi cũng bị phát hiện", ông Phúc bày tỏ.

Video: Cậu bé lớp 3 lái ô tô trên đường đèo: Bố mẹ có thể bị xử lý hình sự?

 

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn