• Zalo

Sai phạm trăm tỷ đồng của cựu Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Bình Dương

Pháp luậtThứ Bảy, 14/07/2018 20:20:00 +07:00Google News

Ngày 13/7, CQĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố 3 bị can, trong đó có ông Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính Bình Dương

CQĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra ở tỉnh Bình Dương, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 3 bị can, trong đó có ông Cao Minh Huệ, nguyên Giám đốc Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên - Môi trường) tỉnh Bình Dương.

Hai bị can đồng phạm với ông Huệ trong vụ án này là Đỗ Văn Sâm, nguyên cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương; và Phan Văn Trung, nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bến Cát.

a

Một phần khu đất Sobexco bán cho tư nhân. (Ảnh: Thanh Niên)

Cơ quan tố tụng xác định, Công ty Chế biến cây công nông nghiệp XNK tỉnh Bình Dương (viết tắt là Công ty Sobexco), là doanh nghiệp Nhà nước được giao trên 700 ha đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất, nên không có quyền chuyển nhượng diện tích đất được giao.

Khi Công ty Sobexco bán hơn 300 ha vườn cao su đợt 1, UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt giá bán là 22 triệu đồng/ha không tính giá trị đất.

Theo quy định thì 40 người mua vườn cây cao su được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hình thức thuê đất, nhưng Phan Văn Trung và Đỗ Văn Sâm đã hướng dẫn Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Sobexco ký 41 hợp đồng chuyển nhượng Quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”) trái quy định pháp luật, sau đó nộp hồ sơ cho Sở Địa chính tỉnh Bình Dương để xác nhận vào các hợp đồng nêu trên.

Bị can Cao Minh Huệ biết giá bán hơn 300 ha vườn cao su của Công ty Sobexco không tính giá trị đất nên người mua vườn cao su phải thuê đất, nhưng đã không đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo cho thuê đất mà cố tình mập mờ để người mua hiểu rằng được nhận quyền sử dụng đất.

Ngày 22/2/2000, Phòng NN&PTNT huyện Bến Cát có Tờ trình gửi Sở Địa chính Bình Dương xin hướng dẫn nghiệp vụ cấp quyền sử dụng đất nhưng ông Huệ không ký văn bản trả lời theo chức năng nhiệm vụ được giao. Qua đó, Trung chỉ đạo Sâm lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua vườn cao su theo trường hợp nhận quyền sử dụng đất để hợp thức hóa.

Đáng chú ý, trong số những người mua vườn cao su đã có 2 người em của Nguyễn Thanh Hải được cấp “sổ đỏ” diện tích hơn 198.000 m2 đất  với giá 1.695 đồng/m2. Năm 2002, những người này đã chuyển nhượng lô đất trên với giá 150 triệu đồng/ha, thu được gần 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, mẹ đẻ của Phan Văn Trung được mua hơn 42.000m2 với giá 1.695 đồng/1m2. Sau đó, mẹ đẻ Trung chuyển nhượng số đất trên cho con trai là Phan Văn Thuần (em trai Trung); đến năm 2007, Thuần được đền bù hơn 3,6 tỉ đồng.

Sau khi người mua vườn cao su được cấp giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hình thức không phải thuê đất, Cao Minh Huệ đã ký hợp đồng mua hơn 75 ha vườn cao su do Công ty Sobexco bán đợt 2 cho 8 người nhà của Huệ. Số đất này, vợ và 2 con đứng tên “sổ đỏ” (mỗi người 10/ha). Sau đó, ông Huệ có tờ trình và được lãnh đạo tỉnh Bình Dương đồng ý ký quyết định tăng hạn mức giao đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, qua đó, vợ và 2 con của ông Huệ đã làm thủ tục nhận lại diện tích vườn cao su trước đây đã nhờ 5 người nhà đứng tên.

Kết luận điều tra nêu rõ, bị can Huệ biết giá bán 352 ha vườn cao su (đợt 2) với giá 50 triệu đồng/ha không tính giá trị đất (chỉ tính vườn cây trên đất); người mua không là nhân khẩu nông nghiệp ở địa phương (trong đó có vợ con Huệ), thì phải nộp tiền thuê đất. Tuy nhiên, cựu Giám đốc Sở địa chính đã làm tờ trình đề xuất thu hồi 352 ha đất vườn cao su của Công ty Sobexco và được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý và giao cho UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và Cấp sổ đỏ nông nghiệp cho người sử dụng đất theo hạn điền 30ha/hộ.

Qua đó, UBND huyện Bến Cát cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cho nhiều người với tổng diện tích hơn 784 ha; trong đó, gia đình Cao Minh Huệ có 3 người được cấp. Mặc dù, chưa được nhận tiền bồi thường về đất do UBND tỉnh Bình Dương dừng việc bồi thường nhưng gia đình ông Huệ đã được hưởng giá trị quyền sử dụng đất vườn cây cao su là hơn 784.000 m2 với giá 1.695/m2, và số tiền được hưởng hơn 1,3 tỷ đồng.

Đến nay cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền thiệt hại trong vụ án này là hơn 131 tỷ đồng, gồm các khoản: tiền có từ ngân sách trung ương để chi trả bồi thường, hỗ trợ về đất, tiền thuê đất…

Vụ án ra từ năm 2009 nhưng do tình tiết phức tạp nên bị kéo dài trong nhiều năm. Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 3 bị can Cao Minh Huệ, Phan Văn Trung và Đỗ Văn Sâm. Riêng bị can Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty Sobexco, quá trình điều tra đã bị ốm chết nên ngày 21/6/2010, CQĐT đã đình chỉ điều tra theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương thu hồi lại số tiền đã bồi thường và đất đã giao trái quy định. Ngoài ra, CQĐT kiến nghị xử lý hành chính đối với một số cán bộ có liên quan đến vụ án.

>>> Đọc thêm: Vi phạm quản lý đất đai, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường bị truy nã

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn