Giả mạo hồ sơ để trục lợi
Thanh tra TP cho biết, dựa trên cơ sở văn bản số 3485/UBND-TNMT ngày 19/5/2010 của UBND TP Hà Nội (chấp thuận tờ trình số 268/TTr-BCĐ ngày 29/4/2010 của Ban chỉ đạo GPMB TP về đề nghị được áp dụng bổ sung chính sách tái định cư khi thực hiện GPMB dự án đường 32), Hội đồng Bồi thường hỗi trợ (BTHT) và tái định cư (TĐC) dự án đã tham mưu cho UBND huyện Từ Liêm đã xét tái định cư cho hàng loạt hộ dân mà không căn cứ vào điều kiện theo quy định của pháp luật.
Từ việc làm trên đã dẫn tới có nhiều hộ dân không ăn ở tại nơi GPMB, không có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại nơi GPMB, có đất ở khác tại địa phương, diện tích đất ở còn lại đủ điều kiện xây dựng nhưng vẫn được xét giao đất tái định cư.
“Qua thanh tra đã phát hiện việc giao đất tái định cư không đúng cho 539 hộ với diện tích đất xét giao là hơn 32 nghìn m2 và đã giao đất tái định cư cho 378/539 hộ với diện tích đã giao là hơn 23 nghìn m3. Trong số 539 hộ nêu trên có 122/129 hộ tự sử dụng đất lưu không đường 32, được Hội đồng BTHT và TĐC dự án đã hỗ trợ đất theo đơn giá đất ở, sau đó tiếp tục được xét giao đất TĐC” – Kết luận Thanh tra chỉ rõ.
Tuyến quốc lộ 32 qua huyện Từ Liêm.
UBND xã Minh Khai, Phú Diễn, thị trấn Cầu Diễn và Trung tâm Phát triển quỹ đất, Ban bồi thường GPMB huyện Từ Liêm cũng đã thiếu kiểm tra, rà soát dẫn tới một số hộ chia tách thửa đất không đúng quy định, một số hộ được giao 2 suất tái định cư.
Cụ thể, có 11 hộ sử dụng 11 thửa đất ban đầu theo hồ sơ đất đai lưu tại xã Minh Khai, Phú Diễn và thị trấn Cầu Diễn. Thế nhưng, trong quá trình lập phương án bồi thường hỗ trợ đã được chia tách để lập thành 29 phương án bồi thường hỗ trợ và được xét tái định cư không đúng quy định. Có 10 hộ tại xã Minh Khai, Phú Diễn, Xuân Phương, mỗi hộ này được giao 2 suất tái định cư.
Nghiêm trọng hơn, có một số đơn vị, tổ chức và cá nhân đã có hành vi lập hồ sơ, giấy tờ về nguồn gốc đất giả mạo, xác nhận không đúng để được hưởng tiền đền bù, hỗ trợ không đúng quy định.
Về việc này, Thanh tra TP chỉ rõ, kho tổng hợp 101 (thuộc Cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Biên phòng), đã ra văn bản giao đất cho một số đối tượng không phải là quân nhân, một số đối tượng còn chưa đủ 18 tuổi (chưa đủ tuổi nhập ngũ), ghi lùi lại thời gian phát hành văn bản (38 hộ thuộc đơn vị kho 101). Tổng số tiền lấy ra từ ngân sách để hỗ trợ về số đất “vô hình” này lên tới gần 3,8 tỉ đồng.
Tương tự, tại xã Minh Khai có 3 hộ tự kê khai sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 và UBND xã đã xác nhận cho 3 hộ này. Tuy nhiên, tại thời điểm này các cá nhân đứng tên trong phương án đền bù, hỗ trợ mới từ 9 - 15 tuổi (hộ bà Trần Thị Lệ Hằng, ông Trần Khắc Hùng và bà Trần Thị Lệ Hiệp).
Cũng tại xã Minh Khai, để hợp thức hoá hồ sơ và phương án đền bù, UBND xã còn mắc sai phạm khi xác nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Tố Loan nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1996 khi mới 11 tuổi. Từ sai phạm này của UBND xã Minh Khai đã dẫn tới cả 4 hộ đều được xét giao đất tái định cư với diện tích 225m2.
ĐH Công nghiệp nhận tiền nhưng không bàn giao mặt bằng
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, Thanh tra TP cho biết, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bị thu hồi hơn 6.550m2 thực hiện dự án, nhà trường đã được lập phương án bồi thường, hỗ trợ toàn bộ tài sản, vật kiến trúc trên diện tích đất bị thu hồi với giá trị là hơn 2.667 triệu đồng. Số tiền này đã được chuyển về tài khoản của nhà trường.
Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nhận tiền đền bù nhưng không bàn giao mặt bằng.
Lý do nhà trường được Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND xã Minh Khai tạm giao quản lý, sử dụng trái thẩm quyền.
Sau khi được tạm bàn giao, sử dụng, nhà trường đã giao toàn bộ diện tích gần 2.120m2 này và 2 dãy nhà lớp học cho Cty HaUI thuộc nhà trường cải tạo, sửa chữa thành 2 dãy ki ốt để cho thuê. Số tiền thu được từ tháng 9.2009 đến hết ngày 30.9.2012 là hơn 4,5 tỉ đồng…
Bình luận