Thời phong kiến, hành vi gian lận trong thi cử có thể bị xử tử hình
Liên quan đến vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi ở THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, trả lời PV VTC News, ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội Khóa 14 thẳng thắn chỉ ra những điểm còn khuất tất và cần làm rõ.
Đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ: “Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm khắc vụ việc này. Ngày xưa, thời phong kiến mà cố ý vi phạm quy chế thi cử thì bị xử rất nghiêm khắc. Nếu hành vi nhẹ thì bị biếm chức (giáng chức), còn nặng thì tử hình. Luật Hồng Đức thời Lê và cả luật của thời nhà Nguyễn sau này đều có quy định chặt chẽ về quy tắc thi cử.
Gian lận trong thi cử bị xem là trọng tội vì làm sai lệch chất lượng nhân sự cho triều đình. Mà nhân tài chính là gốc rễ rường cột quốc gia, khi cố tình làm sai lệch kết quả thi cử dẫn đến sai lệch chất lượng đầu vào thì rất nguy hiểm”.
Về quy trình và cách thức tổ chức kì thi THPT Quốc gia hiện nay, đại biểu Lê Thanh Vân nhận xét: “Thi trắc nghiệm là một phương pháp tiến bộ và phương Tây ứng dụng từ rất lâu. Tuy nhiên, điều kiện và môi trường văn hóa ứng xử của họ khác, tiêu chuẩn về minh bạch thông tin rất cao. Trong khi đó, ở Việt Nam, sự minh bạch và ý thức tự giác thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.
Đặc biệt, lòng tự trọng cá nhân của ta không cao, cái này không chỉ ở trong giáo dục mà trong công tác nhân sự cũng thế. Lòng tự trọng và liêm sỉ của nhiều trường hợp, nhiều quan chức là không có. Cho nên, có thể phương pháp đúng nhưng người vận hành thiếu cái tâm trong sáng, lợi dụng quy trình để trục lợi. Cái này ta có thể gọi là căn bệnh 'ngáo' danh lợi.
Căn bệnh ngáo danh lợi diễn ra không chỉ ở học sinh, phụ huynh mà cả các quan chức.
ĐBQH Lê Thanh Vân
Căn bệnh 'ngáo' danh lợi diễn ra không chỉ ở học sinh, phụ huynh mà cả các quan chức. Nhiều quan chức muốn con mình giỏi nhưng thực tế lại không giỏi nên tìm mọi cách để có thể tác động, làm cho kết quả điểm thi sai lệch đi”.
Về vụ việc ở Hà Giang, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải làm rõ thế lực đứng sau chỉ đạo việc cố ý làm sai lệch kết quả điểm thi.
Vị đại biểu Cà Mau nêu ý kiến: “Ở đây, không loại trừ khả năng kẻ trực tiếp thực hiện hành vi sai phạm này muốn lấy lòng, lập công với cấp trên. Cũng không loại trừ việc làm này còn vì những động cơ khác như tiền bạc. Việc này cơ quan điều tra đang làm và sẽ sớm có kết quả.
Tôi cho rằng, việc này thì phải làm thật nghiêm. Hệ thống giáo dục của ta hiện đã có những hạn chế, tiêu cực, đây là cơ hội để chúng ta chỉnh đốn lại. Phải xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm để làm gương răn đe những nơi khác”.
Về thông tin cho rằng trong số 114 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang, nhiều thí sinh là con quan chức tỉnh này, đặc biệt là nhiều thí sinh đã đăng ký nguyện vọng học các trường an ninh, cảnh sát, đại biểu Lê Thanh Vân nhận xét: “An ninh và cảnh sát là các ngành mà học viên được nuôi bằng ngân sách nhà nước, do đó, người ta có động cơ vào đấy rõ ràng là có tính toán từ trước.
Khi học ở các trường đào tạo an ninh, cảnh sát, học viên sẽ được bao cấp toàn bộ, sau đó lại được bố trí công ăn việc làm sau khi ra trường. Đó là tôi còn chưa nói đến những điều kiện có thể phát sinh tiêu cực khi mà họ ra trường và làm việc sau này”.
Ông Vân cũng lo lắng đầu vào mà quá kém như vậy thì đương nhiên đầu ra không thể tốt được.
"Đặc biệt, đầu ra của những thí sinh này trở thành cán bộ thì quá nguy hiểm cho xã hội”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận định.
Phải điều tra, làm rõ điểm thi ở nhiều tỉnh khác
Trả lời PV VTC News, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên ĐBQH Khóa 13 cho rằng, ngoài trường hợp tỉnh Hà Giang, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều tra, làm rõ điểm thi cao bất thường ở nhiều tỉnh khác mà dư luận phản ánh.
“Khi mới nghe thông tin thì tôi thực sự rất bất ngờ. Bất ngờ bởi vì tại sao những thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà kết quả thi THPT Quốc gia 2018 lại không cao như Hà Giang. Mà chúng ta biết rồi, Hà Giang là một tỉnh nghèo, còn rất nhiều khó khăn, việc học tập của các em học sinh ở đây cũng còn rất nhiều gian khổ, vậy tại sao lại có tỉ lệ học sinh được điểm cao như thế được? Rõ ràng ngay từ đầu tôi đã thấy có sự phi lí”, ông Tiến nói.
Tôi cho rằng những sai phạm này không chỉ có riêng Hà Giang thôi đâu mà còn rất nhiều nơi khác nữa.
Ông Lê Như Tiến
Theo ông Lê Như Tiến, không chỉ riêng trường hợp tỉnh Hà Giang, mà đối với các tỉnh thành mà dư luận cho rằng có hiện tượng điểm thi THPT Quốc gia cao bất thường như Sơn La, Lạng Sơn, cơ quan chức năng đều phải có trách nhiệm vào cuộc điều tra, làm rõ.
Ông Tiến đề nghị: “Tôi cho rằng những sai phạm này không chỉ có riêng Hà Giang thôi đâu mà còn rất nhiều nơi khác nữa. Đối với các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn hay tỉnh nào đó mà dư luận nêu nghi vấn đề điểm thi THPT Quốc gia cao bất thường thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để điều tra làm rõ.
Riêng đối với tỉnh Hà Giang phải điều tra đến cùng, phải đưa ra ánh sáng những ai sai phạm. Không thể có chuyện toàn con cái quan chức lãnh đạo tỉnh này được nâng điểm mà lại chỉ có một mình anh công chức Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này làm từ đầu đến cuối.
Tôi cho rằng vụ việc trên phải có đường dây đứng sau. Bởi vậy cần phải phanh phui là ai đứng sau và ai chỉ đạo đường dây này”.
Ông Lê Như Tiến cho biết, qua các năm phụ trách lĩnh vực giáo dục của Quốc hội, ông được biết quy trình của kì thi THPT Quốc gia làm rất chặt chẽ.
Việc xem xét kết quả một bài thi của một thí sinh nào đó là rất phức tạp. Điều này phải qua nhiều bước khác nhau như thí sinh phải gửi đơn phúc tra lên hội đồng chấm thi, hội đồng lại phải lập ban để xem xét, chấm lại bài thi cho thí sinh đó ra sao... Do vậy, không thể có chuyện “con voi chui qua lỗ kim” như trường hợp ở tỉnh Hà Giang được.
“Tôi được biết quy trình chấm thi rất là chặt chẽ, có cả hội đồng hẳn hoi, vậy mà có thông tin là chỉ một vị trong ngành giáo dục của tỉnh Hà Giang can thiệp tới hàng trăm bài thi, nâng lên hàng chục điểm thi như vậy thì thật nguy hiểm. Đặc biệt là những thí sinh được nâng điểm lại toàn là con em quan chức tỉnh này, rõ ràng là có vấn đề”, ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến cũng cho rằng hành vi của người cố ý nâng điểm thi, làm sai lệch kết quả thi của thí sinh đã vi phạm điều lệ Đảng, Luật Cán bộ công chức và Luật Giáo dục, do đó cần phải xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp này.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh thừa nhận con gái có trong danh sách "nâng điểm"
Liên quan đến vụ việc con gái có bài thi bị thay đổi điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia tại Hà Giang, trả lời báo chí, ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: "Về trường hợp của con tôi, cháu nằm trong danh sách thi đợt này là đúng.
Năng lực của cháu thế nào thì nhà trường biết. Trong 3 năm học phổ thông, con gái tôi học trường chuyên, liên tục làm lớp trưởng. Lực học của cháu luôn đứng trong top 10 của lớp và cháu đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và toàn quốc nên không có chuyện phải đi xin điểm".
Được biết, con gái ông Triệu Tài Vinh đăng ký xét tuyển vào một trường đại học ở Hà Nội. Tổng điểm 3 môn để xét tuyển trước khi chấm thẩm định là 26 điểm, sau chấm thẩm định bị giảm xuống còn hơn 24 điểm.
Bình luận