Sai lầm nghiêm trọng của người làm cha

Tổng hợpThứ Sáu, 31/08/2012 10:03:00 +07:00

“Đồ ngu như bò. Mày ăn cái giống gì mà ngu ngốc thế hả?”. Tiếng anh Thành vang lên phá tan sự tĩnh lặng của buổi trưa.

“Đồ ngu như bò. Mày ăn cái giống gì mà ngu ngốc thế hả?”. Tiếng anh Thành vang lên phá tan sự tĩnh lặng của buổi trưa. Ai cũng biết đó là câu nói cửa miệng của anh mỗi lần dạy bé Khoa học bài. Vì thế, chẳng còn ai lạ lẫm về chuyện này nữa.

Bé Khoa bị mẹ bỏ từ thuở mới lọt lòng, sống với ba và bà nội. Thương cháu bị bỏ rơi, thiếu tình thương của mẹ, bà nội cố gắng hết sức để có thể chăm nom cháu cho chu đáo. Nhưng dẫu cố gắng thế nào thì sự chăm sóc và tình thương bà dành cho Khoa vẫn không thể nào sánh bằng các bé được mẹ tận tay chăm sóc. Bé Khoa lớn lên theo một quy luật tất nhiên của tạo hóa, nhưng trong mắt bé, hình ảnh người mẹ không tồn tại. Với Khoa, bà nội không khác gì người mẹ, chỉ khác mỗi tiếng xưng hô mà thôi.

Bà nội đã lớn tuổi, việc theo sát chăm sóc cháu nhỏ đã rất vất vả. Bà không có nhiều thời gian chuyện trò, tâm sự nhiều cùng với bé. Và vì vậy, phương tiện giao tiếp duy nhất của bé Khoa chính là chiếc ti vi. Chiếc ti vi nghiễm nhiên trở thành người bạn thân thiết của cu cậu. Khoa lớn lên như con vẹt, chuyên bắt chước lời nói và hành động từ các chương trình truyền hình mà mình đã xem. Hệ quả này là lẽ tất yếu vì chính khoa học cũng chứng minh: nếu trẻ tiếp xúc quá nhiều với ti vi thì ngôn ngữ phát triển theo chiều hướng bắt chước là chính. Khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh của bé cũng sẽ không thể nào phát triển được. Chả trách, mỗi khi ai đó hỏi Khoa điều gì thi bé toàn trả lời không đâu, nói một đằng trả lời một nẻo. Mỗi lần như vậy, anh Thành lại than trách ông trời vì sự không may mắn của mình khi sinh ra một thằng bé kém trí thông minh.

 Tivi có một tác động không nhỏ tới bé sơ sinh và trẻ nhỏ - Ảnh minh họa

Khoa năm nay đã 6 tuổi, gần vào lớp một, ngày khai trường thì đã cận kề nên anh Thành càng sốt ruột. Anh cho Khoa đi học thêm ở nhiều nơi, có thời gian thì ngồi kèm cặp Khoa học. Tuy nhiên, sự cố gắng của anh đều bất thành. Nguyên nhân là do tính tình anh nóng nảy, mỗi lần dạy là lại đánh, lại mắng khiến Khoa học mãi, chữ cũng không vào đầu. Chỉ có nỗi sợ hãi dành cho ba thì ngày càng tăng.

Có lần, bà nội dẫn Khoa sang nhà bé Hoa hàng xóm chơi. Hai đứa bé đang chơi, bỗng Khoa đứng dậy hét lớn “Đồ ngu như bò. Mày ăn cái gì mà ngu thế, dạy hoài mà cũng không biết”. Tiếng quát của Khoa khiến bé Hoa sợ hãi òa lên khóc nức nở. Hóa ra, bọn trẻ đang chơi trò dạy học, và Khoa chỉ bắt chước lại hành động quát nạt của ba mình mà thôi.

Trẻ con còn bé chưa hiểu chuyện, sai lầm mà chúng gây ra là khó tránh khỏi và trách nhiệm thuộc về người lớn chúng ta. Chị Thanh Nga, hàng xóm hiểu câu chuyện gia đình anh Thành cho rằng, anh đã phạm phải đến 3 sai lầm nên mới có kết quả là tính cách của Khoa đang có chiều hướng phát triển xấu hơn:

Thứ nhất, vì sự thiếu quan tâm đến con, anh Thành đã phó mặc cho Khoa tiếp xúc với ti vi, khiến Khoa chỉ biết bắt chước như con vẹt, trí thông minh và cách giao tiếp không thể phát triển.

Thứ hai là khi nhận ra con trở nên kém thông minh, anh Thành lại không đủ kiên nhẫn để dạy dỗ bé. Bản tính nóng nảy lấn át, anh Thành luôn khiến Khoa khiếp đảm chứ không thể giúp Khoa tiến bộ hơn trong việc học.

Sai lầm thứ ba của anh cũng là sai lầm nghiêm trọng nhất. Nên biết, trẻ con là một tờ giấy trắng, sẽ đẹp đẽ hay vấy bẩn đều do cách giáo dục của gia đình. Trường hợp anh Thành mắng chửi con thậm tệ không dừng lại ở sự tổn thương sâu sắc đến tinh thần của bé Khoa. Tác hại hơn là Khoa sẽ noi gương ba mình: có tính cách nóng nảy và phát ngôn thô thiển làm tổn thương đến những người xung quanh.

Nếu anh Thành không sớm nhận ra những sai lầm của mình để có định hướng trong phương pháp dạy con, chắc chắn trong tương lai Khoa sẽ bị mọi người xa lánh vì lời nói xúc phạm người khác.

Theo Megafun
Bình luận
vtcnews.vn