“Còn thi công thì còn chặn dòng, mà còn chặn dòng thi còn xuất hiện những điểm gây nghẽn dòng mới” - ông Phan Châu Thuận, giám đốc ban quản lý dự án vệ sinh môi trường TPHCM.
Rất nhiều tuyến đường như Vườn Lài, Phạm Văn Xảo, Lê Thúc Hoạch, Bình Long, Văn Cao, Tân Hương… (quận Tân Phú) bị nước ngập sâu đến nửa mét. Ảnh Từ An
Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM (gọi tắt là TTCN) cho hay, trong cơn mưa rạng sáng ngày 19.4.2011, toàn TP.HCM có tới 41 tuyến đường bị ngập sâu với độ sâu trung bình 0,3m.
Điều đáng lưu ý là ngoài các nguyên nhân như đường bị trũng cục bộ, hệ thống kênh rạch bị xâm hại, thì trong tổng số 41 tuyến đường bị ngập kể trên có đến hơn một nửa là do việc thi công các công trình thoát nước làm tắc nghẽn dòng chảy.
Đáng lo ngại hơn, những điểm gây nghẽn dòng chảy không những không sớm được khắc phục mà còn có chiều hướng gia tăng nhưng không bị xử lý triệt để. Để rồi khi xảy ra sự cố không ai nhận trách nhiệm. Hậu quả cuối cùng dân hứng hết!
64 điểm gây ngập
Ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng chống ngập, TTCN cho hay, nguy cơ ngập do mưa lớn ở TP.HCM còn cao hơn nữa nếu như các điểm gây nghẽn dòng chảy không sớm được khắc phục. Hiện tại toàn thành phố đã xuất hiện tới 64 vị trí thi công dự án làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. “64 vị trí này hoàn toàn có khả năng gây ngập nặng khi gặp cơn mưa lớn như ngày 19.4 vừa qua”, ông Long khẳng định.
Một số trường học tại quận Tân Phú, TPHCM phải cho học sinh tạm nghỉ vì thiết bị dạy học bị nước nhấn chìm. Ảnh: Từ An
Theo ông Long, trong tổng số 64 vị trí trên, nhiều nhất là của dự án vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè) với 25 vị trí; kế đến là dự án nâng cấp đô thị với 21 vị trí.
Ở những vị trí gây nghẽn dòng trên, TTCN phối hợp thanh tra chuyên ngành lập biên bản sai phạm nhiều trường hợp với chủ đầu tư, cũng như gia hạn thời gian khắc phục nhưng việc xử lý không được thực hiện (như dự án nâng cấp đô thị đang thi công trên đường Nguyễn Văn Luông, Hoà Bình, Luỹ Bán Bích…).
Đặc biệt, nhiều tuyến cống đã thi công hoàn thành nhưng việc dọn đất, gạch, đá; tháo dỡ vách ngăn trong lòng cống, đấu nối cống băng ngang đường để bàn giao cho đơn vị quản lý đưa vào vận hành còn chậm nên đã phát sinh nhiều vị trí gây ngập...
Trước những tồn tại trên, TTCN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị đang thi công những dự án có ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, nhất là hai dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè và nâng cấp đô thị phải xử lý ngay các điểm bị chặn dòng. Đến trước ngày 20.5.2011, các đơn vị này phải báo cáo kết quả thực hiện.
TTCN cũng kiến nghị sở Giao thông vận tải TP.HCM, sở Xây dựng chỉ đạo lực lượng thanh tra kiểm tra, xử lý các nhà thầu thi công gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Trường hợp cần thiết, báo cáo lãnh đạo thành phố ra quyết định đình chỉ thi công.
Còn thi công thì còn ngập
Trong khi TTCN bức xúc trước việc các vị trí thi công làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước gây ngập là vậy thì sáng ngày 21.4.2011, trao đổi với PV, ông Phan Châu Thuận, giám đốc ban quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố lại khẳng định, dù đơn vị ông có khắc phục hết các điểm gây nghẽn dòng hiện hữu (25 điểm) theo yêu cầu của TTCN thì chắc chắn vẫn sẽ lại tiếp tục xuất hiện các điểm gây nghẽn dòng mới vì dự án vệ sinh môi trường thành phố còn phải thi công đến cuối năm 2011 mới dứt điểm.
“Còn thi công thì còn chặn dòng, mà còn chặn dòng thi còn xuất hiện những điểm gây nghẽn dòng mới”, ông Thuận nhấn mạnh.
Bao giờ mới hết cảnh ngập lụt ở Sài Gòn. Ảnh: Từ An
Theo ông Thuận, đối với các vị trí đơn vị ông thi công, đa phần nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước là do điều kiện khách quan. Cụ thể, để thi công thì đơn vị thi công phải chặn dòng chảy.
Việc này hoàn toàn hợp pháp bởi phương án thi công đều được tư vấn giám sát duyệt, thời gian thi công đều xin phép các cơ quan chức năng. Khi thi công xong mới mở dòng, nếu không sẽ không đảm bảo chất lượng. Khi công trình đang thi công mà gặp mưa, việc gây ngập tuyến đường xung quanh là khó tránh khỏi.
“Khi tiến hành thi công chúng tôi đều có phương án dẫn dòng cụ thể. Tuy nhiên, có những vị trí thi công do điều kiện khách quan không thể dẫn dòng được thì chúng tôi đành chịu (ở nhiều vị trí diện tích thi công rất hẹp, nhiều khi thi công ngay trên tuyến cống cũ nên không thể dẫn dòng). Nơi nào dẫn dòng được chúng tôi đều dẫn dòng cho nước thoát. Cụ thể, ở những nơi đang thi công gần kênh rạch, đơn vị thi công đều dẫn dòng cho nước thoát xuống kênh”, ông Thuận nói.
Cũng theo ông Thuận, tình trạng ngập nước sau mưa lớn ở TP.HCM hiện nay một phần còn do tuyến cống bao chưa thi công xong nên nhiều vị trí chưa thoát được đến cống bao và do 900m/gần 56.000m cống chính chưa thi công xong.
Dân hứng hết!
Sáng 21.4.2011, nhiều hộ dân, cửa hàng dọc các con đường Phạm Văn Xảo, Lê Thúc Hoạch, Tân Hương, Vườn Lài… (quận Tân Phú, TP.HCM) vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của trận ngập đêm 18 rạng sáng 19.4.2011 tuy đã mở cửa trở lại.
Nhiều người cố đem những hàng hoá đã bị ướt ra phơi mong giảm thiểu bớt thiệt hại. Trường THPT Trần Phú (đường Lê Thúc Hoạch, nơi phải cho học sinh tạm nghỉ một ngày vì nước ngập) phơi hàng ngàn bộ hồ sơ, dụng cụ dạy học… ra giữa sân trường. Ban giám hiệu nhà trường cho biết thiệt hại chủ yếu là về các hồ sơ, một số hồ sơ bị hư hỏng hoàn toàn.
Người dân phải chịu đựng "hậu quả" các dự án thi công. Ảnh: Từ An
Chị Nguyễn Thị Hạnh, ngụ đường Phạm Văn Xảo nói 15 năm qua, chưa bao giờ khu vực này bị nước ngập như ngày hôm đó. “Nước lên nhanh khiến ít ai kịp dọn thứ gì trong nhà. Riêng nhà tôi bị hư cái tủ lạnh do nước tràn vào. Dù nguyên nhân gây ngập nặng xuất phát từ đơn vị thi công bít dòng chảy nhưng chẳng thấy ai đến hỏi thăm”, chị Hạnh thắc mắc.
Quản lý chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm?
Liên quan đến việc ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc gây ngập, thiệt hại tài sản của người dân, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng chống ngập, trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM (TTCN) nói: ai chịu trách nhiệm thì phải tuỳ thuộc vào cơ quan phân xử. Chẳng hạn, hai người đánh nhau, muốn xác định ai đúng ai sai phải dựa vào cơ quan công an và toà án.
Ông nghĩ thế nào về cách trả lời của ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường thành phố?
Việc liên tiếp xuất hiện những điểm nghẽn dòng mới cũng như tình trạng các điểm nghẽn dòng cũ tồn tại từ lâu mà nhà thầu cố tình chây ỳ không chịu hay chậm khắc phục, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm trước dân là do có sự chồng chéo trong việc phát hiện, xử lý.
Là cơ quan chuyên lo chuyện chống ngập, vậy ở đây có phần lỗi nào của trung tâm không?
Từ vài năm nay, để phát hiện được các điểm thi công gây nghẽn dòng, TTCN đã phải cử người đi điều tra và xuống hẳn bên dưới các công trình để quan sát. Sau đó, TTCN phải giao lại để Thanh tra sở Giao thông vận tải xử lý. Thanh tra sở xử lý như thế nào, có xử lý hay không, không hề báo về cho trung tâm biết. Chúng tôi đã làm hết khả năng trong thẩm quyền được giao của mình.
Làm thế nào để có người chịu trách nhiệm, thưa ông?
Như chúng tôi đã nói từ lâu, mọi thứ phải thu về một mối để tránh sự chồng chéo như hiện nay. Nếu TTCN được giao thêm quyền xử phạt, xử lý các nhà thầu thi công gây nghẽn dòng chảy, tôi tin chắc sẽ kéo giảm tối đa tình trạng ngập do việc tắc nghẽn dòng chảy bởi các công trình chống ngập gây ra. Khi đó, TTCN sẽ chịu trách nhiệm trước dân. Còn như bây giờ, rõ ràng khi xảy ra ngập vì lý do này, gần như không ai chịu trách nhiệm và cuối cùng hậu quả người dân phải gánh hết. |
Theo Đào Lê – Từ An
Sài Gòn Tiếp Thị
Bình luận