• Zalo

Sài Gòn kẹt xe kinh hoàng, chuyên gia hiến kế 'thoát hiểm'

Thời sựThứ Sáu, 01/08/2014 11:20:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều chuyên gia 'hiến kế' thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng từ nạn kẹt xe, ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM.

(VTC News) - Nhiều chuyên gia Sài Gòn 'hiến kế' thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng từ nạn kẹt xe, ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM.

Khu vực trung tâm TP.HCM đã trở nên quá chật chội bởi sự gia tăng không ngừng của phương tiện xe cá nhân, đặc biệt là xe gắn máy chiếm tỷ lệ chủ yếu. Chiều ngược lại, hàng năm ngân sách thành phố bỏ ra trợ giá cho xe buýt gần cả 1.500 tỷ đồng nhưng loại hình này vẫn chưa phát huy tác dụng. 
Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia giao thông uy tín đã lên tiếng nhằm hướng đến một môi trường giao thông vừa hiện đại vừa văn minh, hướng đến sự hoàn thiện hệ thống giao thông thành phố trong tương lai.
Ám ảnh xe gắn máy
Theo thống kê của Sở GTVT, số phương tiện giao thông cá nhân trong năm 2013 đã tăng 15% so với năm 2010. Tính đến hết năm 2013, TP có hơn 5,5 triệu xe; trong đó có gần 500.000 ô tô (chiếm gần 1/3 lượng ô tô của cả nước) và hơn 5 triệu mô tô, xe máy (chiếm khoảng 1/6 cả nước); chưa kể hằng ngày có trên 1 triệu mô tô, xe máy, ô tô mang biển số các tỉnh, thành khác tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Sự gia tăng đột biến xe gắn máy hàng năm là nguyên nhân gây kẹt xe tại TP.HCM - Ảnh Tuấn Hưng
Trong khi đó, năm 2013, TP đã cải tạo và làm mới được 1,5 triệu mét vuông mặt đường giao thông, tăng thêm 76km đường, tỷ lệ đất giao thông đạt trên 6% so với đất đô thị (tăng 0,6% so với năm 2010). Tuy nhiên, quỹ đất giao thông vẫn quá ít nên đã gây quá tải cho hạ tầng giao thông đô thị.
Cũng theo Sở GTVT TP, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, quỹ đất dành cho phát triển hệ thống giao thông quá ít, chiếm 5% so với diện tích toàn thành phố, trong khi ở các nước tiên tiến trên thế giới, tỷ lệ này đạt từ 10 – 20%. Ngoài ra, mật độ diện tích đường giao thông so với tổng diện tích chỉ đạt 1,5 km/km2, vừa cản trở trong việc phát triển hạ tầng giao thông, vừa một phần nguyên nhân gây nạn kẹt xe, đặc biệt trong nội thành. 
Vấn nạn kẹt xe của TP.HCM hiện nay, theo nhiều chuyên gia trong ngành giao thông nhận định, thủ phạm chính vẫn do xe gắn máy gây ra. 
Trao đổi với VTC News, PGS.TS Phạm Xuân Mai - ĐH Bách Khoa TP.HCM cho rằng, tình trạng kẹt xe trên chủ yếu do xe gắn máy. Hiện nay, quỹ diện tích mặt đường đang quá tải do gần 5 triệu xe gắn máy (chiếm trên 80% diện tích mặt đường) và khoảng 500.000 xe cá nhân chiếm dụng.
Để minh chứng cụ thể hơn, PGS.TS Phạm Xuân Mai phân tích, trung bình 1 hành khách đi xe buýt chỉ chiếm diện tích tối đa 1,5 m2, trong khi 1 xe gắn máy chiếm diện tích lưu thông gấp trên dưới 7 lần (khoảng 10 – 12 m2). Xe cá nhân không ngừng tăng cao qua từng năm, cụ thể, trong 5 năm gần đây, xe cá nhân tăng hơn 1 triệu chiếc. 
Trong khi đó, dân số toàn TP.HCM gia tăng trên 10 triệu người (kể cả dân nhập cư), do đó, tính trung bình, cứ 2 người sở hữu 1 xe gắn máy. 
Hạn chế xe máy, đi bằng gì?
PGS.TS Phạm Xuân Mai cho biết, giải pháp chống ùn tắc giao thông hiện nay và hướng đến một môi trường giao thông văn minh, hiện đại trên địa bàn TP.HCM chỉ có thể là hạn chế xe máy và hướng người dân đi xe buýt nhiều hơn. 
Để minh chứng cho điều này, PGS.TS Phạm Xuân Mai nêu, hiện trên địa bàn thành phố có trên 3.000 xe buýt, chỉ chiếm gần 0,06% xe cơ giới, một con số quá nhỏ bé so với xe cá nhân. Chưa kể, theo kế hoạch của thành phố năm 2014, ngân sách trợ giá cho xe buýt sẽ hơn 1.400 tỷ đồng, trong khi loại hình này chỉ đáp ứng được chưa tới 10% nhu cầu đi lại của người dân, đây là sự lãng phí quá lớn.
PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng cho rằng, TP.HCM hoàn toàn có thể thực hiện được việc hạn chế xe gắn máy, đồng thời đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng để chống kẹt xe. 
Cụ thể, sẽ không cấm đi xe gắm máy vì đó là quyền của người dân nhưng có thể áp dụng nhiều biện pháp hạn chế xe gắn máy như: hạn chế nhập khẩu loại xe này, đánh thuế cao các nhà sản xuất trong nước… để nâng giá thành xe, tăng phí đăng ký xe, thu thuế ô nhiễm môi trường, không xây dựng các bãi giữ xe gắn máy ở khu vực trung tâm TP… 
Từ đó, sẽ hướng người dân lựa chọn phương tiện xe buýt để đi vì sự tiện lợi của phương tiện này mang lại, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, cán bộ công chức có lộ trình đi lại gần như là cố định, chưa kể phí đi lại thấp, an toàn khi lưu thông… 
Được biết, hiện nay Trường ĐH Bách khoa TP và Sở GTVT kết hợp thực hiện công trình nghiên cứu hệ thống giao thông công cộng (chủ yếu là hệ thống xe buýt) thành phố để giải quyết vấn nạn kẹt xe. 
Theo lộ trình này, đến năm 2025 hệ thống giao thông công cộng sẽ đáp ứng 40% nhu cầu đi lại, qua đó từng bước giảm ùn tắc giao thông. Trong đó cần ưu tiên bài toán giao thông công cộng kết hợp với lộ trình đi từ hệ thống các xe buýt, xe điện, metro, hệ thống giao thông thông minh với phương thức quản lý theo mô hình chính quyền giao thông.

Sỹ Hưng – Tuấn Hưng
Bình luận
vtcnews.vn