Phạm Văn Phong không phải cái tên nổi trội. Anh là thủ môn số hai của Sài Gòn FC ở mùa 2018, chưa từng được gọi lên tuyển, nhưng Văn Phong có một thứ hầu hết đồng nghiệp ở V-League chưa có, đó là được... ông bầu đội bóng đối thủ hứa thưởng tiền sau một trận đấu hay.
Ở trận hòa Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy cách đây 2 năm, Văn Phong đã chơi xuất thần trong khung gỗ Sài Gòn FC với nhiều pha cứu thua mười mươi. Hết trận, bầu Hiển xuống sân, thưởng tiền cho cầu thủ Hà Nội FC. Được một trợ lý tư vấn, ông tuyên bố thưởng thêm 20 triệu đồng cho Văn Phong.
Bóng đá thế giới từng chứng kiến các ông chủ, doanh nghiệp của đội A hứa thưởng cho đội B, nếu đội B đánh bại đội C (mà đội C đang cạnh tranh với đội A), phổ biến nhất là LaLiga. Nhưng hứa thưởng cho cầu thủ của đội bóng đối thủ vì anh ta chơi hay trước chính đội bóng của mình, e là chuyện xưa nay hiếm.
Việc bầu Hiển thưởng cho Văn Phong chỉ là chi tiết nhỏ trong mối quan hệ dường như "bất bình thường" giữa Hà Nội FC và Sài Gòn FC.
Cũng ở mùa 2018, Sài Gòn FC từng đè bẹp Hà Nội FC tới 5-2 ở Thống Nhất, trong bối cảnh đội chủ nhà xếp áp chót, còn Hà Nội FC đứng nhóm đầu. Đội bóng Thủ đô đang thăng hoa, bỗng mắc một loạt sai lầm "trời ơi đất hỡi". HLV Phan Văn Tài Em của Sài Gòn FC khi ấy còn bị hỏi về "tính chính danh" của chiến thắng. V-League 2018, Hà Nội FC mất 14 điểm cả mùa, 5 trong số đó diễn ra trước Sài Gòn FC.
Trả lời VTC News, một quan chức VFF vẫn chưa hết bất ngờ khi nói lại màn chuyển khẩu cách đây 4 năm, khi CLB bóng đá Hà Nội của Chủ tịch Nguyễn Giang Đông khi ấy Nam tiến, đổi tên thành Sài Gòn FC.
Trước khi thay tên đổi họ, Sài Gòn FC là sân sau của Hà Nội FC, nuôi dưỡng và trui rèn một nửa đội hình của đương kim vô địch V-League hiện tại với Quang Hải, Đức Huy, Hùng Dũng, Văn Đại hay Đình Trọng.
Vào TP.HCM "lập nghiệp" dưới cái tên mới, Sài Gòn FC có lẽ vẫn giữ những mối liên hệ nhập nhằng với Hà Nội FC. Bầu Đức từng ám chỉ câu chuyện "5 đánh 1", và Sài Gòn FC được cho là một phần của liên minh ở V-League ấy.
Cựu HLV Hoàng Văn Phúc của đội bóng Sài thành từng là Giám đốc trung tâm đào tạo bóng đá trẻ của đội bóng Thủ đô. Cựu chủ tịch Dương Nghiệp Khôi (nhận nhiệm vụ thay ông Trần Tiến Đại), người đứng đầu ban lãnh đạo Sài Gòn FC trước khi nhường lại vị trí cho ông Vũ Tiến Thành, giờ là Giám đốc trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội. Quốc Long, Ngọc Duy từng gắn bó với Hà Nội T&T, giờ là công thần của Sài Gòn FC.
Nhưng trên tất cả, khi HLV Hoàng Văn Phúc và ông Dương Nghiệp Khôi rời vị trí, còn Sài Gòn FC được bán cho một đại gia phía Nam, đội bóng này đã bắt đầu một chặng mới: tìm kiếm sự thừa nhận, tìm kiếm bộ nhận diện để sống được ở mảnh đất TP.HCM.
Muốn vậy, Sài Gòn FC cần phải là đội bóng của TP.HCM, chứ không phải đội bóng của bầu Hiển, hay sân sau của một ai khác.
Sài Gòn FC đã rất nỗ lực. Đội bóng của Chủ tịch Vũ Tiến Thành liên kết với FC Tokyo của Nhật Bản để cử chuyên gia sang Nhật học hỏi, được chuyên gia Nhật sang thỉnh giảng, đồng thời tiếp nhận công nghệ đào tạo như một phần trong thỏa thuận toàn diện. Sài Gòn FC cũng hợp tác với Đại học Văn Lang để phát triển bóng đá, mua lại trung tâm huấn luyện Thành Long, có nhiều hoạt động xã hội.
Đó là câu chuyện ngoài sân cỏ. Để thể hiện cách làm bóng đá nghiêm túc, Sài Gòn FC sẽ phải mất 5-10 năm. Đó là hành trình dài nhưng bền vững, bởi thành tích chỉ là điều kiện cần.
Còn trên sân cỏ, Sài Gòn FC luôn là đối thủ khó chịu. Đội bóng kỳ lạ nhất V-League với Chủ tịch kiêm luôn HLV trưởng Vũ Tiến Thành đang là đội duy nhất không thua sau 6 vòng. Dù không có ngôi đầu khi hòa quá nhiều, nhưng bản thân số trận hòa của Sài Gòn FC cũng tô đậm nét xù xì của đội bóng này.
Sài Gòn FC có thể đá rất "bốc", dồn ép Becamex Bình Dương nghẹt thở, cũng có thể phòng ngự khó chịu, khiến SHB Đà Nẵng hay CLB TP.HCM phải nản lòng. 4 mùa giải đã qua, Sài Gòn FC chưa bao giờ là đối thủ dễ chơi. Lực lượng khiêm tốn, được xây nền đắp móng từ thời HLV Nguyễn Đức Thắng vẫn là vật cản đáng sợ.
Đội bóng được gán mác "của bầu Hiển" năm xưa vẫn đều đặn gây khó dễ cho Hà Nội FC dù thăng hay trầm. Sài Gòn FC đang sống tốt ở TP.HCM, dù khi cuộc thay tên đổi họ diễn ra vào năm 2016, ít ai tin rằng đội bóng này sẽ trụ lại được lâu. Bài học từ Navibank Sài Gòn (Quân khu 4 chuyển khẩu) hay Sài Gòn Xuân Thành vẫn còn nóng hổi.
Nhưng có vẻ Sài Gòn FC sẽ sống, thậm chí sống khỏe, dẫu chặng đường để được thừa nhận còn rất dài.
Bình luận