Theo PGS Nguyễn Kế Hào, ngày 23/9, ông đại diện cán bộ của Trung tâm Công nghệ Giáo dục gửi kiến nghị đến Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ liên quan bộ sách giáo khoa của đơn vị này, do GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên. Ngày 25/9, ông nhận được thư trả lời do Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký.
Ông Hào cho rằng thư trả lời của Bộ GD&ĐT có phần vô cảm, chưa giải đáp thỏa đáng những điều đã nêu. Vì vậy, PGS Nguyễn Kế Hào tiếp tục gửi kiến nghị lên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đại diện của Trung tâm Công nghệ Giáo dục cho rằng thứ nhất, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 và Toán 1 của GS.TSKH Hồ Ngọc Đại có lịch sử hình thành trên 40 năm, tới nay được hoàn thiện để đưa vào sử dụng trên toàn quốc.
Đây là sách mới đã nhiều lần nghiệm thu, thẩm định và khi cần đã được lựa chọn áp dụng như một phương án đổi mới để khắc phục khó khăn, nhằm ổn định, phát triển giáo dục.
Thứ hai, theo Bộ GD&ĐT, bộ sách có thể hoàn thiện để thẩm định lại. Tuy nhiên, điều này khó vì nếu sửa theo ý của hội đồng thẩm định sách giáo khoa cần nhiều thời gian và sẽ mất đi bản sắc của “sách giáo khoa Công nghệ Giáo dục”.
Thứ ba, các triết lý của GS Hồ Ngọc Đại như “Học sinh là nhân vật trung tâm”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Đi học là hạnh phúc" đều được ngành giáo dục thừa nhận trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Thứ tư, nếu các bộ sách của nhóm tác giả khác được thẩm định theo thông tư 33/2017/TT-BGĐT chỉ mới là bản mẫu sách giáo khoa, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sách của GS Hồ Ngọc Đại được nghiệm thu và đánh giá nhiều lần, được Hội đồng thẩm định của Bộ GD&ĐT thông qua.
Vì vậy, PGS Nguyễn Kế Hào đề xuất sách của GS Hồ Ngọc Đại nên được xem xét và đánh giá theo cơ chế khác hoặc vận dụng thông tư 33/2017/TT-BGĐT một cách không sơ cứng, chi tiết và căn cứ mục tiêu giáo dục và chuẩn đầu ra.
Trước đó, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách bị loại khỏi vòng thẩm định.
Bình luận