Theo các chuyên gia của CNet, bạn nên rút phích cắm các thiết bị điện không cần thiết khi không còn sử dụng chúng, bởi một số thiết bị hoặc đồ gia dụng vẫn âm thầm tiêu thụ năng lượng ngay cả khi đã tắt.
Mọi vật dụng bạn đang sử dụng hàng ngày như tivi, tủ lạnh, bếp điện, lò vi sóng, máy tính để bàn, máy tính xách tay, sạc điện thoại, máy giặt và nhiều thiết bị khác vẫn đang chạy một số chức năng nhất định khi chúng vẫn được cắm điện. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang phải trả thêm tiền điện cho các thiết bị này dù không dùng đến chúng.
Giải pháp hiệu quả nhất giúp bạn tiết kiệm tiền điện hàng tháng và đảm bảo an toàn điện đó là rút phích cắm những thiết bị khi không sử dụng. Việc này cũng giúp duy trì hiệu suất hoạt động của thiết bị về lâu dài.
Tuy nhiên có người băn khoăn liệu có nên rút phích cắm của các thiết bị được dùng thường xuyên như bếp điện, lò nướng, lò vi sóng, tivi, máy giặt hay không. Điều này thực tế không cần thiết và bạn chỉ cần rút phích cắm của các thiết bị điện và điện tử không sử dụng hoặc đã được sạc đầy.
Không nên rút và cắm lại các thiết bị mà mình sử dụng thường xuyên (hằng ngày hoặc nhiều lần trong ngày). Điều này có thể gây hỏng phích cắm, dây điện và ổ cắm theo thời gian. Nhưng nếu có các thiết bị nhà bếp không sử dụng thường xuyên, hoặc tivi trong phòng ngủ ít khi dùng hoặc máy in hiếm khi sử dụng thì cũng nên rút phích cắm.
Tại sao thiết bị giữ phích cắm lại ngốn điện?
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, các thiết bị của bạn vẫn sử dụng năng lượng ngay cả khi chúng đã tắt, ví dụ thường thấy nhất là:
- Một thiết bị có thể vẫn sử dụng năng lượng ở dạng đèn báo sáng biểu thị thiết bị đang tắt
- Máy tính chỉ đơn giản chuyển sang chế độ ngủ. Máy tính xách tay có thể sử dụng ít nhất 0,82 W hoặc nhiều nhất là 54,8 W khi ở chế độ ngủ, và nhiều hơn nữa khi bật đầy đủ, sạc hoặc ngay cả khi đã sạc đầy.
- Bộ sạc vẫn sử dụng điện ngay cả khi thiết bị không được kết nối.
- Điện thoại có tính năng màn hình hiển thị khi không sử dụng.
- Các thiết bị gia dụng thông minh mới như tủ lạnh, máy giặt và máy sấy có màn hình luôn bật, kết nối internet và điều khiển từ xa.
Năng lượng từ các thiết bị này khi không sử dụng thường được gọi là năng lượng dự phòng nhưng còn có các tên khác như tải ảo, dòng điện nhàn rỗi.
Tiết kiệm tiền điện từ năng lượng dự phòng
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, năng lượng dự phòng chiếm 5-10% năng lượng sử dụng của khu dân cư. Rút phích cắm các thiết bị có thể tiết kiệm cho một hộ gia đình ở Mỹ trung bình lên đến 100 USD/năm.
Tuy nhiên, số tiền bạn tiết kiệm có thể phụ thuộc vào số lượng thiết bị bạn sử dụng và thói quen khi dùng. Ví dụ, một thí nghiệm giáo dục từ Đại học Bang Colorado cho thấy, một máy phát thanh/đầu đĩa CD/máy nghe nhạc kết hợp sử dụng 4W liên tục cho dù đang được sử dụng hay không. Rút phích cắm khi không sử dụng sẽ tiết kiệm điện năng gấp 100 lần trong suốt thời gian hoạt động của thiết bị.
Một nghiên cứu của Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên Mỹ (NRDC) cho thấy, chỉ cần giảm tải từ các thiết bị luôn bật sẽ giúp người tiêu dùng nước này tiết kiệm 8 tỷ USD tiền điện hàng năm đồng thời dư ra 64 tỷ KW điện mỗi năm. Nó cũng có những lợi ích về môi trường, như giảm 44 triệu tấn CO2.
NRDC ước tính chi phí của các thiết bị luôn bật trung bình lên đến 165 USD/năm cho mỗi hộ gia đình Mỹ.
Bình luận