Rượu ngon phải trong ché quý

Tổng hợpThứ Tư, 26/09/2012 02:03:00 +07:00

Khi đi tản cư theo gia đình, tôi cũng được nghe rằng các dân tộc cao nguyên miền Trung đặc biệt thích uống rượu cần, không những nhiều hơn mà còn cầu kỳ hơn...

Chẳng những một số dân tộc phía Bắc vốn ưa uống rượu cần, điều mà ngay từ hồi kháng chiến 9 năm, khi đi tản cư theo gia đình, tôi cũng được nghe rằng các dân tộc cao nguyên miền Trung đặc biệt thích uống rượu cần, không những nhiều hơn mà còn cầu kỳ hơn nữa.

Sau này, có gần 15 năm sống và tìm hiểu ngay trên quê hương Đam San, tôi đã vỡ vạc hiểu ra vẻ đẹp của hương sắc cao nguyên, trong đó có cả những nét lạ lẫm và kỳ thú xung quanh ché rượu cần Ê-Đê và chừng mực nào đó là M’nông, hai dân tộc đông người nhất ở Đắc Lắc.

Một đêm tâm sự cùng Y Tuyên K’rông, sau này là giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh, tôi đã biết được rằng để làm được loại rượu cần hảo hạng sánh ngọt như mật ong mà hồi ấy, lâu lâu tôi mới được uống, người Ê-Đê đã dùng đến gạo nếp cẩm hoặc nếp trắng-thứ cao lương của Tây Nguyên. Men rượu làm bằng gạo tấm có pha với riềng, rễ cam thảo và củ cây chít.

 
Gạo đem nấu thành xôi, phơi bằng nong lớn cho nguội rồi sẽ trộn men vào, đem ủ kín. Khi đã lên men, người ta trộn thêm trấu để sau này khi uống sẽ dễ hút, tất cả cho vào ché đựng rượu. Miệng ché được bịt bằng lá chuối khô, nếu ché được  hạ thổ sẽ phải bồi thêm lớp tro trên cùng để cách nhiệt. Những ché này thường được chôn chặt chừng một năm ở bìa rừng.

Rượu ngon phải để trong những ché quý. Một năm sau đó, tôi đã học và biết cách phân biệt từng loại ché ở Dak Lak. Đại thể, người Ê-Đê có nhiều loại ché khác nhau về kích thước và mầu sắc.

Những chiếc ché Tuk và ché Tang là quý hơn cả, nhất là loại ché có màu trắng và xanh; loại này thường có từ ba đến sáu tai và càng to càng tốt. Tôi đã ngắm nhìn không biết chán một chiếc ché cực quý ở huyện Krông Buk, nó có đường kính vòng to nhất cỡ 1,2m , thân mầu da rắn và nom bề thế như một khối đá lớn.

Ông chủ Y Pol nháy mắt hóm hỉnh bảo tôi cầm chiếc thìa nhôm nhỏ đánh vào bất kỳ chỗ nào trên thân ché rồi chui đầu vào ché để lắng nghe, chao ôi, khắp thân ché vang lừng tiếng ngân rung như thể cây đàn silophone muôn điệu. Y Pol bảo đấy là của quý, “nó đổi được hai con voi đó!”. Tiếc thay năm 1983, Y Pol mất đi và chiếc ché quý hiếm kia cũng không còn nữa.

 

Người M’nông, ngoài lối làm rượu cần như người Ê-Đê còn làm theo cách khác. Họ không dùng xôi ủ lên men mà dùng gạo rang. Chính thứ gạo rang ấy, khi ủ với men có nhiều riềng sẽ lên mùi thơm ngon cho rượu sau này, mặc dù ché rượu không cần phải hạ thổ. Ché đựng rượu của người M’nông thường có dáng thấp, tròn, toàn thân màu đen bóng và rất ít tai. Ai tinh thông lối tấu chiêng Ê-Đê với tiết tấu sầm sập như thác đổ, khác hẳn chiêng M’nông có giai điệu âm u như vòng xoáy của cơn lốc núi, tất sẽ tìm ra hình ảnh của những chiếc ché Ê-Đê so với ché M’nông, từng được mô tả trong Trường ca Đam San bất hủ.

Uống rượu cần: Dễ nhưng không đơn giản

Mùa mưa năm 1981, tôi có may mắn được lạc vào thế giới “quên” tại một buôn huyện của Ea Ka, cách thị xã Buôn Ma Thuột chừng 65 km. Được ở nhà một vị “khoa buôn” (chủ buôn) và qua đó hiểu thêm nhiều luật tục Ê-Đê, trong đó dễ nhất và cũng vui nhất là tục uống rượu cần. Dễ nhưng không hề đơn giản, rất không tùy tiện như ai đó từng lầm tưởng.

Khoa buôn tên là Y B’huýt, hơn 70 tuổi nhưng khỏe lắm. Cao lớn, da bánh mật và 

 
bộ tóc màu bạch kim, đôi tay săn chắc còn trên môi không bao giờ thiếu chiếc ống tẩu, tiếng tù và của ông lão vẫn đủ sức vang vọng tới những dãy núi xa, oai phong cứ như thể Taratbunba ngày nào. Ông già thông thạo việc thuần dưỡng voi, đặc biệt còn biết cả cách “hợp cẩn” cho chú voi giống to cao lừng lững của nhà mình, một câu chuyện cực kỳ độc đáo. Nhưng ông già thú nhất chuyện rượu cần, từ cách uống cho đến lối mời rượu.Gọi là rượu cần vì được uống bằng cần. Cần tốt phải dùng cây giang nhỏ cho dẻo, nếu không, có thể là nhánh nứa, thân trúc hoặc sợi dây mây đã dùi lỗ. Trong các lễ lớn, các gia đình có thế lực còn dùng các cần quý, lưu niên từ năm này tới năm khác, dài tới 4 mét, được trang trí thêm những lục lạc làm bằng đuôi nhím để tạo ra các âm thanh vui tai khi chuyển cần mời rượu. Thân của cần lại được chạm nhiều hình con thú nhỏ và những đường kỷ hà.

Lễ lớn, thường là vào tháng 3 hàng năm, người ta có thể dùng nhiều ché nhưng lại không đồng loạt cắm cần vì đó là điều cấm kỵ. Khi uống, bà con lần lượt sử dụng rượu của những chiếc ché kê phía ngoài của gian khách trong ngôi nhà dài. Những cây nêu cầu kỳ có chạm hoa văn bằng máu con vật hiến tế trộn với than và nước cây chát cho bền màu, được dựng lên giữa nhà để buộc ché rượu. Tôi đã may mắn dự lễ cúng chúc thọ lần thứ 7- cũng là lần lớn và quan trọng nhất trong đời một người đàn ông Ê-Đê, cho khoa buôn tài giỏi Y B’huýt, thuộc một đẳng cấp khá cao ở vùng này và được bà con gọi là “zdroong” có nghĩa na ná với từ “sếp”.

Cẩn thận, già làng đã cho mời một thầy cúng giỏi nhất buôn, cũng đồng thời là “nhạc trưởng” của dàn chiêng quý 11 chiếc được tấu trong lễ chúc thọ, đến từ sáng sớm. Sau khi xem qua macquette của gian khách, kiểm tra lại cột buộc 7 ché rượu lớn và dãy Kpan (ghế dài) của dàn chiêng, lại điểm tên các nhạc công, ông này nếm thử rượu ở chiếc ché thứ nhất và tấm tắc khen “h’mi!”(ngọt lắm). Khi âm hưởng dàn chiêng Knah vang lên là lúc lễ cúng bắt đầu, cũng là khi lon rượu thứ nhất được rót ra…Đồng bào Tây Nguyên quan niệm “ăn là ăn và uống là uống”, bởi thế các cuộc uống rượu cần bao giờ cũng chỉ có một tiết mục, nó khác với loại liên hoan vui vẻ bằng cách ăn thịt một con hươu hay bê thui kèm theo rượu cần như hiện nay hay lối uống rượu “cải tiến” pha tạp. Chủ lễ là người điều hành chương trình, hôm đó là Paghe (thày cúng) AmaNga, bao giờ cũng phải mời nữ chủ nhân khai mạc từng ché rượu cần. Người này có thể uống từ một đến ba lon. Mỗi lễ uống rượu được chọn một người nữa để làm việc mời rượu.
 
Chính người này, thường là đàn ông, sẽ đi đào ché mang từ bìa rừng về, buộc vào cây nêu và lấy nước lã đổ vào trước 25-30 phút cho ngấm. Sau nữ chủ nhân, lần lượt chủ lễ sẽ mời những người còn lại theo vai vế gia đình và dòng họ. Các vị khách quý sẽ được xen kẽ vào tốp trên cùng. Người mời rượu luôn phải ngồi bên ché để tiếp nước với chiếc lon trên tay hoặc một dụng cụ tựa như thước vuông và quả dọi của thợ mộc để xác định mức rượu đã uống. Lễ cúng lớn nhỏ đều chỉ dùng một cần rượu, chỉ có lễ tang mới dùng từ 2 đến 3 chiếc cần.

Khi uống rượu, phải cẩn thận để giữ cho chiếc cần luôn ở trong tay mình. Hết 3 lon, người ta chỉ có quyền buông cần khi người uống tiếp theo, do điều hành của chủ lễ, đã chạm tay vào cần rượu. Theo lệ xưa, ai làm gẫy cần sẽ phải nộp phạt một con gà, gọi là nộp cho Giàng (Trời) nhưng gia chủ được hưởng. Ngoài ra, mọi sự vi phạm thủ tục trong cuộc rượu đều bị coi là vô lễ và xúc phạm đến người khác hay đến thần linh. Bởi thế, khi xưa đã có không ít những cuộc xung đột giữa những gia đỉnh, dòng họ hay cả bộ lạc, được khởi đi từ sự trục trặc ở các cuộc rượu cần.

Bây giờ đã có khác. Những cuộc uống rượu cần, kể cả loại được đặc chế như vừa mô tả, hay các cuộc vui đơn giản khác, đã được xử lý thoáng hơn nhiều. Vì vậy, được tham gia một sinh hoạt văn hóa như thế tất sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp và giàu ấn tượng của mọi người. Năm 2000, sau hơn 10 năm xa Đak Lak, tôi đã “bay” vào Tây Nguyên trong một chuyến công tác ngắn ngày, lại được dự một đêm rượu cần truyền thống. Lửa bập bùng, chiêng ngân rung. Nhớ lắm những gì đã xa, nên khi gặp lại thì rượu đã ngấm mà mắt cứ cay cay, cho dù thứ rượu hôm ấy đã khác xưa nhiều rồi, Giàng ơi!

Nguyễn Lưu- Y Moan

                                     

 

 

Bình luận
vtcnews.vn