• Zalo

Rước họa vào thân vì chữa bệnh bằng 'bác sĩ google'

Sức khỏeThứ Sáu, 21/07/2017 07:16:00 +07:00Google News

Không cần đến bệnh viện, chỉ cần vài thao tác trên mạng internet, nhiều người đã trở thành bác sĩ nhưng “chữa lợn lành thành lợn què”.

Gia đình chị Nguyễn Thị H. (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) vừa trải qua giai đoạn khủng hoảng khi con gái phải nằm viện điều trị nửa tháng vì bệnh viêm phổi.

Chị H. kể lại: “Tôi thấy con bị ho liền lên mạng xem có bài thuốc dân gian nào trị bệnh không. Thế rồi tôi cho con uống húng chanh, mật ong. Nhưng sang ngày thứ 3 con không đỡ, ho nặng hơn và có dấu hiệu sốt.

Tôi lại hỏi mọi người cách điều trị bằng nước lá diếp cá (hạ sốt), uống nước lê gừng (trị viêm họng). Thêm 1 ngày nữa mà bé Na vẫn chưa đỡ. Tôi liền mang con đến bệnh viện thì cháu đã bị viêm phổi, phải nằm viện điều trị”.

ruoc-hoa-vao-than-vi-bac-si-Google

 "Bác sĩ Google" đang trở thành trào lưu của một bộ phận người dân

Tình trạng chữa bệnh cho con bằng thông tin truyền miệng hoặc bằng bác sĩ google đang trở thành trào lưu đặc biệt của chị em văn phòng.

Chia sẻ về vấn đề này tại buổi truyền hình trực tuyến với chủ đề “Nhiễu” thông tin sức khoẻ trên internet – Người dân lãnh đủ!” do báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, bác sĩ Ngô Đức Hùng (khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có một thuyết âm mưu, dành cho chị em văn phòng, họ thường tra các từ khóa, đọc, chia sẻ truyền tai nhau nảy sinh ra một thế hệ.

Tất cả các thông tin liên quan đến vấn đề sức khỏe không được kiểm chứng thì hiểu biết rất tốt và thông thạo nhưng những kiến thức rất cơ bản, tối giản để giúp chăm sóc sức khỏe thông thường thì lại không thực hiện được.

Đồng tình với ý kiến của bác sĩ Hùng, TS.BS Phạm Thị Việt Hương (bệnh viện K) cho rằng, việc chúng ta tìm kiếm các thông tin về vấn đề sức khỏe trên mạng rất nguy hiểm và đang trở thành một trào lưu rất nguy hiểm.

Sử dụng thông tin chữa bệnh trên mạng không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, cho gia đình mà còn nguy hiểm cho cả cộng đồng.

Bác sĩ Hương kể lại, trong quá trình làm việc của mình, bác sĩ biết có một bà mẹ bỉm sữa chia sẻ trên facebook của mình và mách mọi người cách chữa khỏi ung thư của người hàng xóm (đã bị bệnh viện trả về) bằng cách uống bồ công anh.

“Khi chị này đăng một status như vậy, bản thân chị đó không có trách nhiệm với bản thân và cả cộng đồng. Chị chỉ ngồi 1 chỗ, nghe đồn về một bệnh nhân mà không biết bệnh nhân này có thật hay không, bệnh nhân này có đúng bị ung thư và bệnh viện trả về và khỏi nhờ uống bồ công anh hay không. Mọi người sau đó chia sẻ cho những bệnh nhân đang điều trị ung thư.

Các bệnh nhân đang điều trị ung thư trở nên hoang mang với các phương pháp họ đang điều trị ở bệnh viện, họ có tư tưởng bỏ điều trị chính thống để theo phương pháp điều trị không được kiểm chứng như vậy”, bác sĩ Hương chia sẻ.

Video: Vì sao người Việt chi hơn 2 tỷ USD rra nước ngoài du lịch chữa bệnh?

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Hương, việc tìm thông tin chữa bệnh trên Google tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy. Nó xảy ra với cá nhân tìm kiếm thông tin không được kiểm chứng như vậy: nhẹ thì không khỏi bệnh, nặng nhất là tử vong.

Đúng ra khi bị bệnh phải tới bệnh viện, nhưng áp dụng các biện pháp điều trị phản khoa học từ Google làm chúng ta bị chậm quá trình điều trị, thậm chí tự đẩy mình tới cái chết.

>>> Đọc thêm: 'Lang băm' khám bệnh, bán thuốc khắp nước, cả ngàn người 'tiền mất tật mang'

An Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn