• Zalo

'Rừng tị nạn' Calais và những người di cư sống vất vưởng, tạm bợ chờ sang Anh

Thế giớiThứ Tư, 30/10/2019 06:53:00 +07:00Google News

Nhiều di dân trong các khu trại miền Bắc nước Pháp như Calais - khốn khổ mòn mỏi chờ từng ngày vượt eo Manche đến "miền đất hứa" bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Salman và gia đình của anh 3 lần vượt qua eo biển Manche - nơi ngăn cách miền Bắc nước Pháp và miền Nam nước Anh - với hy vọng có thể chạm đến bờ biển Anh, miền đất hứa. Nhưng cả 3 lần người đàn ông quốc tịch Iraq cùng vợ và 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, đều buộc phải trở lại.

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt trong khi thời hạn Brexit (Anh rời EU) cũng đang đến gần. Những di dân càng bất chấp mạo hiểm bởi họ sợ rằng cánh cửa sang Anh sẽ hẹp dần.

Ngay cả khi thông tin về cái chết của 39 di dân trong container ở Essex ập đến, đêm đêm, người đàn ông 42 tuổi cùng gia đình vẫn mòn mỏi chờ những chuyến xe tải ghé qua với hy vọng cập "bến cuối cùng". Bởi cũng như nhiều di dân khác đang khắc khoải chờ đợi ở "cánh rừng tị nạn" Calais này, họ không còn lựa chọn khác.

calais

 

Năm 2016, thị trấn cảng Calais phía Bắc nước Pháp "phủ sóng" trên khắp các phương tiện truyền thông, khi "rừng" tị nạn, nơi có khoảng 6.000 người lưu vong đến từ khắp nơi trên thế giới, mong muốn được đến những nơi tốt đẹp hơn, bị dỡ bỏ. Nhưng câu chuyện về người tị nạn Calais vẫn chưa kết thúc.

Hàng trăm người tị nạn vẫn đang tập trung ở đây trong điều kiện sống thậm chí còn khốn khổ và bấp bênh hơn khi "rừng" lớn đã biến mất. Họ sống vất vưởng, tạm bợ ở đây để chờ ngày vượt qua eo Manche sang Anh bất chấp nguy hiểm tính mạng luôn rình rập.

Theo Calais Migrant Solidarity (CMS), một mạng lưới hoạt động về những người di cư ở Calais từ năm 2009, hiện tại thường trực vẫn có khoảng 500 người cố gắng vượt biên ở Calais. Con số này cũng dao động theo các khu vực lân cận và trên đường tới Bỉ.

Một số người tị nạn chạy trốn xung đột ở các nước như Iran, Afghanistan và Eritrea. Số khác là di dân kinh tế. Họ đều khao khát vượt biển tới Anh để tìm một cuộc sống tốt hơn.

calais1

 Bên trong khu trại tị nạn Calais.

An ninh gắt gao hơn trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc những người di cư này phải di chuyển xa hơn và chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Trong khi đó vượt qua eo Manche là một trong những lựa chọn mới nhất. Đường biển không có hàng rào như trên đất liền, nhưng đây cũng là con đường đặc biệt nguy hiểm.

Thực tế, từ Calais có thể nhìn thấy nước Anh. “Những người đã đi hàng nghìn dặm đến đây, thường đã liều mạng nhiều lần, khi họ nhìn thấy Dover (Anh) ở phía xa, họ sẽ không dừng lại" - một thành viên CMS nói.

Calais-Dover là tuyến đường hoạt động thường xuyên của những kẻ buôn lậu. Chúng thu đến 10.000 bảng một chỗ sau xe tải cho những người xin tị nạn. Nhưng vượt biên bằng xe tải "chắc ăn" hơn vượt bằng đường biển qua eo Manche.

Những kẻ đưa lậu người sang Anh thường tổ chức tàu thuyền cho di dân với mức phí vài nghìn euro cho 1 suất, những người có ít tiền có thể vượt biên trên bè tạm, chi phí thấp hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn gấp bội. Hơn thế nữa, không phải lúc nào cũng mua được áo phao, khiến hành trình vượt biển qua eo Manche càng nguy hiểm hơn.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn