• Zalo

Rừng nghiến – 'máu' vẫn tuôn: Chính quyền thờ ơ, kiểm lâm kêu khó

Bạn đọcThứ Năm, 17/07/2014 07:22:00 +07:00Google News

Theo BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, nơi đây từ 15 năm trước, những cây gỗ nghiến loại lớn đã bị đốn hạ.

Theo BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, nơi đây từ 15 năm trước, những cây gỗ nghiến loại lớn đã bị đốn hạ. 

Trong khu bảo tồn hiện chỉ còn những cây nghiến cao từ 5 – 7m. Ông Nguyễn Quang Lịch, GĐ BQL Khu bảo tồn nói chắc như đinh đóng cột, số gỗ nghiến vận chuyển trái phép mà PV ghi hình được là từ bên Na Rì (Bắc Kạn) đưa sang. Nếu đúng, tại sao những đối tượng này có thể đưa hàng trăm, nghìn mét khối gỗ qua mặt lực lượng chức năng dễ dàng như vậy?


Nghe lâm tặc kể chuyện

Tại xã Tân Tri, chúng tôi đã tiếp cận được một số người từng đi chở gỗ, vác gỗ thuê từ Nghinh Tường qua.

Anh H, 24 tuổi, nhà thôn Thâm Xi (xã Tân Tri) bảo, nhà nghèo, làm mấy miếng ruộng với cái nương ngô không đủ ăn nên đi chở gỗ thuê thôi. Hằng ngày, H dậy từ sớm, đi xe máy qua khu vực bản Mùn (xã Nghinh Tường) rồi chở gỗ thuê cho các đầu nậu.

Vận chuyển gỗ nghiến trái phép 

Chúng tôi hỏi H, gỗ được lấy từ đâu, H lắc đầu, lúc đến, họ thuê chở từ đâu thì biết đó, cũng chẳng ai hỏi gì. Chạy một mạch từ Thâm Xi qua trung tâm xã Tân Tri, gỗ được tập kết tại một căn nhà, gần quốc lộ 1B. Chủ căn nhà là ai và làm gì, H cũng bảo không biết, chở đến đó bốc gỗ xuống rồi quay đầu xe. Mỗi chuyến, đầu nậu trả cho H cũng như nhiều người khác 200 nghìn đồng. Ngày nào chạy khỏe thì được 2 chuyến, số tiền kiếm được bằng H làm ruộng cả vụ lúa.

“Lâu rồi em nghỉ vì làm nặng quá, đi khám bác sĩ bảo đau thần kinh tọa gì đó, giờ chỉ ở nhà làm ruộng, chăn mấy con bò thôi”, H thủng thẳng. Chúng tôi ngỏ ý nhờ dẫn vào khu vực tập kết gỗ, H lắc đầu bảo chịu thôi, người lạ mặt không vào được khu đó đâu.

Bà V (xã Tân Tri) thì bảo, ở đây cứ lúc nông nhàn, mọi người coi việc đi vác gỗ thuê là nghề kiếm cơm cho cả gia đình. Như bà V, mỗi ngày vác gỗ thuê, bét nhất cũng được 200 nghìn đồng.

Số tiền nhận được từ vận chuyển gỗ lậu bằng làm cả vụ lúa 

Men theo con đường đất ven suối Tính, suối Tát, mất khoảng 5 giờ đồng hồ đi bộ là có thể tới khu vực bản Mùn. Tại đây có những lán trại là nơi ăn nghỉ cho những người vác gỗ. Chủ lán trại chính là đầu nậu, người dân ở Tân Tri gọi họ là Mán – dân tộc Dao.

“Khi đủ người, chúng tôi được dẫn ngược núi lên khu Lân, vác gỗ xuống chân núi. Sau đó sẽ có người dùng xe máy hoặc xe ngựa chở đi tiếp, đi đâu thì bọn tôi không biết. Mỗi lần vác từ trên núi xuống, tôi được 120 nghìn, vác nhiều hơn thì được 200 nghìn. Đợt tôi đi vác chủ yếu là thớt, cái nhẹ nhất cũng khoảng 25 cân”, bà V thuật lại.

Bà V tận mắt chứng kiến những cây gỗ to cả người ôm không hết bị đốn hạ bằng cưa xăng. Nghe bà V kể chuyện, tôi thấy cũng lạ, việc vào rừng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép ở đây nhẹ nhàng như việc lên nương trồng lúa, tra ngô.

“Có hôm, chúng tôi đang vác gỗ thì có một nhóm kiểm lâm tới. Họ cũng chả bảo gì, đứng nhìn một lúc rồi bỏ đi”, bà V nhớ lại. Ngỏ ý nhờ dẫn vào nơi khai thác gỗ, bà V giãy nảy như đỉa phải vôi rằng, dẫn người lạ tới mất mạng như chơi. Cái lạ thứ hai, việc vận chuyển gỗ diễn ra ngang nhiên, nhiều năm, chẳng lẽ chính quyền xã Tân Tri không hề hay biết!? Phải chăng, rừng bên nào bên ấy giữ, việc ai người nấy lo…

Không người dẫn đường, tôi và cậu đồng nghiệp đánh liều, đột nhập vào khu vực bản Mùn. Dọc đường từ Thâm Xi qua, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe máy đã được “độ” để chở gỗ. Thấy người lạ, những người này chạy chậm dần, rồi tụt lại phía sau chúng tôi.

Gỗ nghiến khai thác trái phép bị tịch thu 

Vờ dừng lại uống nước, nhóm người này cũng dừng theo. Dọc đường từ UBND xã Nghinh Tường vào bản Mùn, cái dễ bắt gặp nhất là những chiếc xe máy "độ", lủng lẳng can xăng hai bên. Xe vào tới bản Mùn, chúng tôi “nhận” được vô vàn ánh mắt dò xét, đe dọa.

 

Tôi rất bất ngờ với những tư liệu các anh cung cấp. Việc vận chuyển lâm sản qua địa bàn diễn ra âm ỉ từ lâu nhưng không ngờ mức độ lớn như vậy. Chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện nhóm họp các bên liên quan để giải quyết dứt điểm việc này

” –Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chánh Văn phòng UBND huyện Võ Nhai.
 
Biết là không thể thâm nhập sâu hơn, chúng tôi đành quay ra. Trên đường ra, một người đàn ông đi theo “tiễn” chúng tôi ra tận con đường cái trước cổng UBND xã.

"Ngoài sức tưởng tượng"

Để tìm hiểu rõ nguồn gốc của số gỗ nghiến kia, chúng tôi liên hệ làm việc với BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, trụ sở tại xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai. Sau khi xem những tư liệu PV ghi lại, lãnh đạo BQL Khu bảo tồn tỏ ra hết sức ngạc nhiên

Ông Phan Quốc Thụ, PGĐ BQL cho biết, từ 15 năm trước, lượng cây nghiến có tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng đã bị đốn hạ sạch. Tại đây chỉ còn những cây nghiến loại nhỏ, mới được trồng, chiều cao từ 5 – 7m.

Còn ông Nguyễn Quang Lịch, GĐ BQL thì khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, Thần Sa – Phượng Hoàng làm gì còn gỗ nghiến to thế để khai thác. Địa bàn xã Nghinh Tường có cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhưng lượng nghiến to không còn. Về nguồn gốc, ông Lịch khẳng định, đó là số nghiến được đốn từ vùng Na Rì (Bắc Kạn).

Theo ông Lịch, việc vận chuyển gỗ nghiến từ Na Rì qua Võ Nhai để sang Lạng Sơn đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng với số lượng nhiều như qua tư liệu PV cung cấp, ông Lịch cho rằng “ngoài sức tưởng tượng”.

Ông Nguyễn Quang Lịch, GĐ BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng 

Mất bò mới lo làm chuồng

Tháng 6 vừa qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng mới cùng một loạt các xã giáp ranh của 3 tỉnh kí kết quy chế phối hợp quản lí, bảo vệ rừng. Không biết, hiệu quả của công tác phối hợp đến đâu, nhưng từng ngày, từng giờ, hàng trăm m3 gỗ nghiến vẫn xuyên rừng, vượt mặt kiểm lâm, chính quyền địa phương về xuôi.
Hiện tại, BQL đã thành lập 2 chốt kiểm lâm, một tại khu vực giáp ranh xã Tân Tri, một tại bản Mùn. Quân số dao động từ 11 – 12 người, túc trực 24/24. Tuy nhiên không hiểu sao, mỗi ngày vẫn có gần trăm chuyến nghiến vận chuyển trót lọt qua khu vực này. Vị GĐ BQL thừa nhận, 2 năm qua, việc bắt được các vụ vận chuyển gỗ rất hạn chế.

 PGĐ Phan Quốc Thụ thì phân trần, vì đây là vùng giáp ranh giữa ba tỉnh, công tác quản lí bảo vệ rừng vô cùng khó khăn. Việc ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép qua địa bàn khó khăn gấp bội.

“Anh em kiểm lâm chúng tôi đã gồng hết sức mình để bảo vệ rừng. Tại các chốt luôn có người trực 24/24. Tình trạng phá rừng thì vẫn lác đác xảy ra. Theo Quyết định 07/2012 của Chính phủ, chính quyền địa phương có trách nhiệm cao nhất trong việc bảo vệ, ngăn chặn vận chuyển lâm sản trái phép. Xem những hình ảnh các anh cung cấp, gỗ vận chuyển qua ngay UBND xã nhưng hình như chính quyền xã không quan tâm”, ông Thụ nói.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đã lập biên bản tiêu hủy 29 lán trại của các đối tượng phá rừng, tịch thu 29 m3 gỗ các loại, trong đó gỗ nhóm IIA là 28 m3. Đồng thời tịch thu 1 ô tô, 23 xe máy cùng 9 cưa xăng, tổng thu và nộp ngân sách nhà nước 328 triệu đồng.

Số vụ chống đối, cản trở lực lượng kiểm lâm thi hành công vụ của các đối tượng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép có chiều hướng gia tăng. Trên thực tế, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc gỗ nghiến chảy “máu” ồ ạt như trên là do công tác phối hợp giữa các địa phương, lực lượng chức năng gần như không có.

Theo Nông nghiệp VN

Bình luận
vtcnews.vn