Gần đây, bác sĩ Hứa Tuấn Bình và đồng nghiệp ở Trung Quốc thực hiện một cuộc phẫu thuật nhiều ám ảnh. Họ lấy ra 2 con ký sinh trùng trong bộ não của một cậu bé, có con dài đến 15 cm.
Được biết, cậu bé trước đây thích bơi trong ao hồ, đồ ăn cũng thường xuyên là cá tôm đánh bắt trong ao mà ra. Điều này tạo cơ hội cho ký sinh trùng xâm nhập và ký sinh trong não.
Cậu bé 13 tuổi đó tên là Tiểu Kiệt sống ở khu vực nông thôn tỉnh An Huy, Trung Quốc. Bắt đầu từ hơn 1 tháng trước, Tiểu Kiệt có hiện tượng đau đầu không rõ nguyên nhân, tứ chi yếu ớt, kèm theo co giật ở miệng bên phải, đầu lưỡi và đầu các ngón tay bên phải bị tê, mỗi lần co giật từ 3 - 4 phút.
Do các phản ứng này lặp đi lặp lại nhiều lần, tình trạng ngày càng nghiêm trọng, lúc này cha mẹ mới đưa con trai đến bệnh viện kiểm tra.
Cả CT và MRI (hình ảnh cộng hưởng từ) phần não đều cho thấy những bất thường ở giao điểm có vật chất màu xám phía bên trái trán của Tiểu Kiệt, vùng lân cận còn có chút phù thũng, nhưng vẫn chưa phát hiện chính xác bệnh.
Bác sĩ Hứa Tuấn Bình - Trưởng Khoa Thần Kinh của Bệnh viện Nhi thành phố Nam Kinh sau khi nhìn kết quả xét nghiệm của Tiểu Kiệt cho biết: “Từ trong báo cáo có thể thấy vùng bệnh nhỏ ở bộ phận não của trẻ, nhưng xung quanh rõ ràng bị phù nề. Hơn 10 năm trước, chúng tôi cũng chẩn đoán trường hợp tương tự, dựa trên kinh nghiệm, hoài nghi cậu bé bị nhiễm ký sinh trùng. Kết quả thử nghiệm kháng thể ký sinh trùng khẳng định cậu bé thực sự nhiễm ký sinh trùng và cần phải phẫu thuật gấp”.
Chia sẻ về thói quen hằng ngày của con trai, cha của Tiểu Kiệt cho biết, cậu rất thích bơi ở ao hồ, hơn 1 tháng trước, cậu bé và bạn bè còn tự bắt cá ở sông để ăn uống mỗi khi vui chơi cho đến khi xuất hiện các triệu chứng bệnh như trên.
Các bác sĩ phẫu thuật não cho cậu bé và phát hiện có 2 con ký sinh trùng màu trắng, con dài nhất 15 cm. Nhưng điều khiến các bác sĩ kinh ngạc, sau khi lôi ký sinh trùng ra ngoài và đặt vào chậu nước, chúng vẫn còn sống.
Trải qua 4 tiếng phẫu thuật, bác sĩ Hứa chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ gặp phải trường hợp ký sinh trùng lấy ra vẫn còn sống. Cuộc phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi, tổn thương được loại bỏ hoàn toàn, không ảnh hưởng đến vùng chức năng của đại não. Hiện tại, các dấu hiệu chân tay của Tiểu Kiệt ổn định. Phương pháp tiếp theo là chống ký sinh trùng và trị liệu động kinh”.
Bạn có thể ngăn ngừa ký sinh trùng bằng cách không uống nước thô, không ăn các loại thịt cá chưa nấu chín.
Có nhiều loại côn trùng tồn tại trong nước, một khi con người ăn phải thức ăn chứa ký sinh trùng, chúng sẽ xâm nhập vào ruột, thông qua mạch máu tiếp cận não bộ, và làm tổ trong đó dẫn đến đau đầu.
Lúc này, cơ thể xuất hiện các triệu chứng như nôn mửa, co giật và động kinh. Nếu ký sinh trùng trong vùng chức năng của não, có thể dẫn đến liệt nửa người. Ngoài ra, ký sinh trùng có thể ký sinh trong mắt, phổi, dưới da và các bộ phận khác, tuy nhiên, dù ở vị trí nào cũng không dễ dàng phát hiện.
Bác sĩ Hứa cũng nói rằng, đối với các loại ký sinh trùng, cần ưu tiên đặc biệt việc phòng ngừa. Do đó, cha mẹ nên tránh cho trẻ uống nước lã, không bơi trong ao hồ, không ăn các loại thịt, cá chưa chín hoặc nộm gỏi…
Bình luận