• Zalo

Rừng Amazon cứ giãy giụa kêu cứu trong tuyệt vọng trước lòng tham của con người

Thế giớiThứ Ba, 27/08/2019 17:07:00 +07:00Google News

Rừng Amazon đang gào thét, giãy giụa cầu cứu trong biển lửa, Brazil vẫn khẳng định không cần và từ chối mọi sự viện trợ của nước ngoài.

Amazon bị "nướng cháy" suốt nhiều năm.

79.000 đám cháy xảy ra trong 8 tháng qua. 25.000 đám cháy phát hiện trong tháng này. 9.000 đám cháy bùng phát trong tuần trước... Những con số thống kê về các vụ cháy rừng cứ tăng theo cấp số cộng nhưng người Brazil bàng quan với sự thật đó.

Họ thừa biết những đám cháy len lỏi tới từng cánh rừng, phá hủy bao nhiều ha thảm thực vật nhiệt đới. Nhưng thực tế đó đôi khi không thấm gì với thứ mà họ nhận được nếu phá rừng để khai thác tài nguyên thiên nhiên hay phát quang làm rẫy. 

Lãnh đạo một Hiệp hội nông dân ở Brazil coi những vụ cháy là một phần của cuộc sống và rằng họ đang canh tác trên Amazon để nuôi sống thế giới.

Khi Tổng thống Bolsonaro giành được 55% số phiếu bầu phổ thông để đắc cử năm ngoái, không ít lá phiếu bầu cho ông vì cam kết hạn chế bảo vệ môi trường. Kể từ sau khi nhậm chức, ông Bolsonaro không dưới một lần bày tỏ quan ngại các biện pháp bảo vệ những cánh rừng nhiệt đới ở Brazil là một trở ngại cho phát triển kinh tế và kêu gọi nên sử dụng Amazon cho lợi ích kinh doanh, cho phép các công ty khai thác, nông nghiệp, và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây.

brazil

Chi chít những đám cháy được ghi nhận ở Brazil hôm 13/8. (Ảnh: Global Forest Watch Fires)

Bộ trưởng Ngoại giao Brazil có quan điểm tương tự, ông gọi nỗ lực chống biến đổi khí hậu là âm mưu giành lấy quyền lực của những người không mong muốn Brazil phát triển. 

Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil Ricardo Salles thì cho rằng không nên dành quá nhiều phần rừng chỉ để cho một nhóm nhỏ người dân tộc thiểu số sinh sống trong khi đại đa số dân Brazil phải vật lộn với sinh kế hàng ngày. 

Nền kinh tế Brazil những năm qua đang có dấu hiệu sa sút, khu vực nông nghiệp vốn là xương sống của đất nước từ đó lại lên ngôi. Nông dân và chủ các trang trại gồng mình phát quang những cánh rừng để trồng đậu tương hay chăn thả gia súc. 

Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Mika Lintila đe dọa ngừng nhập khẩu thịt bò Brazil nếu quốc gia Nam Mỹ không có biện pháp ngăn cản nạn phá rừng Amazon. Nhưng người Brazil nói rằng họ còn nhiều đối tác khác để bán thịt chứ không chỉ là châu Âu. 

Theo các số liệu thống kê, nạn phá rừng ở Brazil tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro lên nắm quyền. 

Ông Marcio Astrini- Điều phối viên Chính sách công của Brazil trực thuộc tổ chức Greenpeace nói rằng chính phủ của ông Bolsonaro đang ”chống lại môi trường” và thậm chí còn cố gắng giảm bớt các hoạt động bảo vệ rừng, không đưa ra kế hoạch nào chống lại nạn phá rừng.

"Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, những người phá rừng cảm thấy an toàn và những người bảo vệ rừng cảm thấy bị đe dọa”, ông Astrini nói. 

Theo ông Maurício Torres, Giáo sư tới từ Đại học Liên bang Pará, phần đất được tạo ra sau nạn phá rừng có trị giá gấp 50, 100, 200 lần so với ban đầu. Đó rõ ràng là một khoản hời quá lớn làm mờ mắt nhiều người. 

may bay

Chiến cơ Brazil được điều tới để dập lửa ở Amazon. (Ảnh: AP)

"Những đám cháy bùng lên bởi lòng tham, khó dập tắt hơn nhiều so với những vụ hỏa hoạn khác", một cây viết của tờ Irish Examiner nhận định. 

Các nước hiểu được thực trạng đang xảy ra ở Brazil. Họ lên án nạn phá rừng, cách đối xử với Amazon của Brazil và đề nghị hỗ trợ dập tắt các đám cháy. 

Nhưng người Brazil tin rằng cái chìa tay này đầy toan tính. Họ nghi ngờ các nước giàu có muốn giữ lấy sự nguyên sơ của Amazon để kìm hãm sự phát triển của quốc gia Nam Mỹ. 

Khi Brazil từ chối đề nghị viện trợ 20 triệu USD từ G-7, Chánh văn phòng Tổng thống Brazil khuyên châu Âu lấy số tiền đó để lo chuyện trồng cây gây rừng ở lục địa của mình. Ông này nhấn mạnh rằng Tổng thống Macron còn chẳng chặn nổi một đám cháy có thể dự đoán trước trong nhà thờ Notre Dame nói gì tới việc đi thuyết giảng cho Brazil.

Ông Filipe Martins, cố vấn của Tổng thống Brazil khẳng định Brazil sẽ cứu Amazon chứ không phải là những lời hoa mỹ, trống rỗng, cuồng loạn và sai lệch của truyền thông, quan chức các nước khác và các tổ chức phi chính phủ.

Bản thân ông Bolsonaro thì cáo buộc nước ngoài đang can thiệp vào chủ quyền quốc gia của Brazil thông qua các khoản hỗ trợ để cứu rừng Amazon. Ông khẳng định các tổ chức phi chính phủ bất mãn với chính quyền của ông và hoạt động nông nghiệp bất hợp pháp là nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn, đồng thời cáo buộc truyền thông nước ngoài đang tìm cách khai thác quá đà và thổi phồng quá mức về các đám cháy để làm suy yếu chính phủ Brazil. Nhà lãnh đạo Brazil gạt bỏ mọi sự hỗ trợ bên ngoài trừ lời đề nghị giúp đỡ từ Israel. 

Cứ thế, những người đau xót cho những cánh rừng Amazon vẫn phải mòn mỏi chờ đợi các chiến cơ của quân đội Brazil lạc lõng quần thảo phía trên những cột khó nghi ngút, phun nước lên các vùng hỏa hoạn mà chưa biết nỗ lực đơn độc này có chống đỡ nổi cơn thịnh nộ của bà hỏa hay không.

Mỗi ngày qua đi, đám cháy cũ chưa được dập tắt, đám cháy mới vẫn bùng phát, những chấm đỏ ghi nhận các vụ cháy ngày càng dày đặc trên bản đồ. Rừng Amazon vẫn kêu cứu trong tuyệt vọng trước lòng tham và sự "tự tôn" của còn người.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn