• Zalo

‘Rửa’ tiền qua lương công nhân

Kinh tếThứ Năm, 21/02/2019 07:27:00 +07:00Google News

Trên sổ sách thì người lao động được hưởng, nhưng thực tế thì không vì sau khi tiền đổ vào tài khoản, công nhân phải rút ra và nộp lại cho lãnh đạo phân xưởng.

Vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Chế tạo máy Vinacomin (VMC, mã chứng khoán CTT), thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Theo đó, nhiều công nhân tại CTCP Chế tạo máy Vinacomin (VMC, mã chứng khoán CTT) phản ánh việc “gửi tiền” qua lương người động và nhập nhèm trong tính định mức sản phẩm tại phân xưởng cơ khí 2 thuộc VMC.

52762283_397997910985511_5434805282251210752_n

Khu nhà xưởng của  CTCP Chế tạo máy Vinacomin. 

Cụ thể, trong năm 2018, lãnh đạo phân xưởng cơ khí 2 đã ba lần gửi với tổng số tiền hàng trăm triệu vào lương của công nhân. Ngoài ra, khi giao bản vẽ cho người lao động cũng không có định mức nên có nhiều người được hưởng lương cao đột biến.

Người lao động cũng kiến nghị ban lãnh đạo VMC xem xét lại năng lực chuyên môn và quản lý của một số cán bộ lãnh đạo phân xưởng do có biểu hiện lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết nội bộ.

Xác nhận với VTC News, ông Lê Viết Sự - phó giám đốc VMC cho hay ban lãnh đạo công ty có nhận được các kiến nghị của công nhân và đã thành lập đoàn kiểm tra nhằm làm rõ những nội dung trên. Kết quả, đã phát hiện trong năm 2018, tại phân xưởng cơ khí 2 đã ba lần phân phối lương không đúng vào tài khoản của người lao động.

“Ban lãnh đạo công ty yêu cầu thu hồi lại toàn bộ số tiền và chia lại cho người lao động theo các kỳ phân phối và ngày công tham gia sản xuất”, ông Sự nói.

Vẫn theo Phó giám đốc VMC, nguồn tiền trên lấy từ quỹ tiền lương còn dôi dư của phân xưởng, chưa phân phối hết. “Đặc thù phân xưởng luôn có quỹ lương dự phòng, thường để dùng vào việc bảo hành sản phẩm, chi trả lương cho người lao động đi bảo hành sản phẩm…. chiếm khoảng 5% sản phẩm”, ông Lê Viết Sự cho hay.

Tuy nhiên, theo đại diện VMC, sự việc trên xuất phát từ nguyện vọng của người lao động và công đoàn bộ phận dành khoản tiền để đi tham quan học tập. Nên sau khi chuyển vào tài khoản của người lao động, người lao động tự nguyện nộp lại.

“Trách nhiệm thuộc về Quản đốc phân xưởng Nguyễn Văn Thuấn. Công ty cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật, kỷ luật ông Thuấn bằng hình thức khiển trách”, Phó giám đốc VMC cho hay.

Về phản ánh lãnh đạo phân xưởng cơ khí 2 nhập nhèm trong tính định mức và có biểu hiện lợi ích nhóm gây mất đoàn kết nội bộ, ông Sự khẳng định, định mức sản phẩm hoàn toàn phù hợp, không có vấn đề như kiến nghị.

“Việc trao bản vẽ không bao giờ không có định mức, tôi khẳng định không có việc này, người lao động phải có định mức mới làm. Còn nội dung phản ánh lãnh đạo phân xưởng bè phái, lợi ích nhóm chúng tôi đã xác minh nhưng không có cơ sở để khẳng định”, ông Sự nói.

Công ty cổ phần Chế tạo máy Vinacomin được thành lập ngày 23/7/1968 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Sau khi sát nhập trở lại Tổng công ty Than Việt Nam năm 2004, công ty được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Chế tạo Máy Than Việt Nam. Năm 2006, công ty được cổ phần hóa, trong đó TKV nắm 40,9% vốn.

Ngày 12/4/2009, VMC đã hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán nhà nước và ngày 17/7/2015 đã giao dịch lần đầu trên sàn HNX. Từ khi lên sàn, mã CTT của VMC liên tục dò đáy, tỷ lệ khớp lệnh khiêm tốn và hiện giao dịch dưới mệnh giá, khảng 7.900 đồng/cổ phiếu.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn